Hôm nay, phúc thẩm vụ nâng giá máy xét nghiệm tại CDC Hà Nội

Sáng nay (24-6), TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ nâng khống giá hệ thống xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Một bị cáo rút kháng cáo

Phiên tòa được mở do nhiều bị cáo có đơn kháng cáo, trong đó có Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng Phòng tài chính kế toán CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng Phòng tổ chức hành chính CDC Hà Nội), Đào Thế Vinh (giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (tổng giám đốc Công ty CP Định giá và bán đấu giá
Nhân Thành)…

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TP

Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Quỳnh (cựu trưởng Phòng kế hoạch nghiệp vụ CDC Hà Nội) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được cải tạo tại địa phương. Tuy nhiên, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo trình tự phúc thẩm, bị cáo Quỳnh đã rút đơn kháng cáo.

Về phía CDC Hà Nội, cơ quan này được xác định với tư cách bị hại, cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ nơi đây.

Theo dự kiến, tòa phúc thẩm do thẩm phán Đặng Đình Lực ngồi ghế chủ tọa. Phiên xử diễn ra khoảng hai ngày và hơn 10 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo.

Gây thiệt hại hơn 5,4 tỉ đồng

Tòa sơ thẩm nhận định đủ cơ sở xác định bị cáo Cảm có vai trò cao nhất vụ án, là người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện gói thầu số 15 theo thủ tục chỉ định thầu thông thường. Vì động cơ vụ lợi, cựu giám đốc CDC Hà Nội bàn bạc với các bị cáo ấn định giá hệ thống máy móc xét nghiệm trước khi tổ chức đấu thầu, chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ chỉ định thầu, gây hậu quả nghiêm trọng cho tài sản nhà nước.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang vô cùng phức tạp, cả xã hội đang căng mình phòng chống dịch. Do đó, HĐXX cho rằng cần xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính răn đe.

HĐXX cũng ghi nhận quá trình xét xử các bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; nhiều bị cáo tại CDC Hà Nội được cơ quan này xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Nguyễn Nhật Cảm, HĐXX cho biết bị cáo mang học hàm PGS-TS, có nhiều đóng góp cho ngành y tế nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định pháp luật.

Nội dung vụ án cho thấy để phục vụ công tác phòng chống dịch, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15, gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động cùng một số tủ lạnh và tủ mát.

Tuy nhiên, với vai trò giám đốc CDC, chủ tịch hội đồng tư vấn mua sắm, chọn giá hàng hóa/dịch vụ, Nguyễn Nhật Cảm đã không thực hiện đúng các quy định về lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Kết quả, các bị cáo móc nối với nhau, ký hợp đồng giữa CDC Hà Nội với công ty để mua bán các trang thiết bị với tổng giá trị 9,54 tỉ đồng, trong đó riêng hệ thống Realtime PCR tự động có giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 1,2 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cấp trung ương xác định tổng giá trị của gói thầu số 15 chỉ là hơn 4,14 tỉ đồng. Trong đó, hệ thống Realtime PCR tự động có giá gần 3,12 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động có giá 450 triệu đồng.

Hành vi của cựu giám đốc CDC Hà Nội cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỉ đồng. Số tiền do CDC Hà Nội quản lý, vì vậy cơ quan này được xác định có tư cách là bị hại.

Cựu giám đốc CDC Hà Nội lãnh 10 năm tù

Trước đó, hôm 12-12-2020, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm 10 năm tù, Nguyễn Vũ Hà Thanh và Đào Thế Vinh cùng sáu năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh trên, tòa tuyên phạt bảy bị cáo còn lại từ 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến sáu năm tù giam.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...