Luật sư đòi lại công bằng cho người bị oan

Tháng 9, một sáng sớm mịt mù, Luật sư (LS) Đoàn Văn Thành (Đoàn LS TP.HCM) sốt ruột đi lại trên chuyến phà qua Cần Giờ. Ông đang trên đường từ văn phòng của mình ở quận 3 đến công an huyện làm việc.

Chiều qua, ông mới nhận được cuộc điện thoại gọi đến làm việc. Lần đi này ông hy vọng sẽ được cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho thân chủ - một anh thợ sửa xe cần cù bỗng dưng vướng lao lý vì một chiếc laptop không cánh mà bay.

Từ không nhận thành “thừa nhận” tội

“Chờ báo cáo xem có cho LS vào không vì có bút lục Trần Hoàng Minh nhận tội và không cần LS…”. Đó là lý do LS Thành nhận được để lý giải cho việc không cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho LS ngay được. Cứ thế, suốt mùa mưa năm ấy, LSThành phải trải qua đoạn đường hơn 100 cây số đi về với mong mỏi được thực hiện nhiệm vụ LS.

Mấy lần như vậy, ông đề nghị gặp lãnh đạo công an huyện để được trao đổi sòng phẳng, nếu không có gì khuất tất thì nên tạo điều kiện cho LS. “Nếu thực sự Minh không cần thì phải có văn bản từ chối đàng hoàng để tôi báo lại với gia đình Minh” - LS Thành đưa ra yêu cầu.

cuối cùng LS Thành cũng cầm trên tay giấy chứng nhận người bào chữa. “Buổi lấy cung đầu tiên có LS, điều tra viên và viện trưởng. Tôi động viên Minh có làm có chịu, còn không thì không nhận cho dù bị sức ép gì. Ông viện trưởng và điều tra viên hỏi sao nhận rồi sau không nhận. Minh nói “nhận để còn sống mà gặp vợ con” rồi vén áo cho xem thương tích. Kết thúc buổi hỏi cung, dù rằng Minh kêu oan nhưng điều tra viên lại ghi “nhầm” thành Minh thừa nhận đã có hành vi trộm cắp và bắt Minh ký. Tôi đã yêu cầu đọc lại bản cung và phát hiện sự nhầm lẫn chết người này. Điều tra viên đòi chữa cháy bằng cách ghi chêm chữ “không” vào trước từ “thừa nhận” nhưng tôi đã cương quyết phải ghi một bản mới” - LS Thành kể lại.

Anh Minh là một thợ sửa xe cần mẫn, tối ngày bầu trời của anh chỉ là gầm ô tô. Tháng 9-2013, xảy ra một vụ mất trộm máy tính xách tay trị giá 6,8 triệu đồng của một người cùng xã. CQĐT Công an huyện Cần Giờ điều tra theo đơn trình báo. Nghi vấn anh Minh là thủ phạm, CQĐT đã khởi tố, bắt tạm giam anh. Tang vật của vụ án là chiếc laptop thì không tìm thấy. Dù Minh kêu oan và đưa ra chứng cứ ngoại phạm nhưng hồ sơ buộc tội anh vẫn được hoàn thành và chuyển đến VKS.

“Lần đầu gặp tôi, ánh mắt Minh mừng rỡ khi nghe tôi giới thiệu về bản thân, về việc gia đình Minh mời và mục đích của tôi khi vào đây. Tôi cảm nhận được sự tín nhiệm mà Minh trao gửi. Ánh mắt ấy của Minh khiến tôi thấy rằng có thể là một sự thật đang bị che giấu”.

Luật sư Đoàn Văn Thành (trái) vẫn đang đồng hành cùng Trần Hoàng Minh để yêu cầu VKSND huyện Cần Giờ (TP.HCM) xin lỗi, bồi thường oan. Ảnh: PHƯƠNG LOAN

Ðình chỉ nhưng vẫn có tội

LS Thành tìm gặp các nhân chứng, người biết sự việc là cậu bé phụ việc cho Minh, những khách sửa xe vào buổi sáng xảy ra vụ án. Một sự thật đã được LS Thành làm rõ và hoàn toàn tin tưởng: Suốt buổi sáng Minh sửa xe cho khách, đều có khách sửa xe làm chứng. Thời gian ngoại phạm của Minh quá dài.

Trong vòng hai tiếng đồng hồ, Minh không thể thực hiện một chuỗi hành vi như: Đi ăn sáng, thủ theo cây nạy lốp, ngang qua nhà, biết chủ vắng nhà, đột nhập và bình tĩnh đi cạy tủ, đi lựa ba lô bỏ laptop vào, lật nệm tìm tiền…

Đem những nhận định này trao đổi với VKS, LS Thành nhận được cái lắc đầu. Cáo trạng vẫn được ban hành. Tuy nhiên, thành công bước đầu của LS là Minh được tại ngoại sau hơn hai tháng sống trong bốn bức tường nhà tạm giam.

Tháng 3-2014, vụ án được đưa ra xét xử. Xét thấy thời gian thực tế để thực hiện hành vi dài hơn thời gian mà cáo trạng quy kết Minh có hành vi phạm tội, đồng thời để làm rõ dấu hiệu bức cung nhục hình qua lời khai nhân chứng phụ việc cho Minh nên tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Vụ án rơi vào im lặng cho đến hơn chín tháng sau thì được đình chỉ vì “hành vi phạm tội không còn nguy hiểm”. Nghĩa là dù được đình chỉ nhưng Minh vẫn bị buộc tội. Minh khóc ròng với án này. Nhớ cái ngày công an ập vào giải Minh đi, cả xóm đảo xôn xao. Đến khi được tại ngoại và đình chỉ, trong mắt hàng xóm láng giềng Minh vẫn là thằng ăn cắp.

Tìm bạn đồng hành từ báo chí

LS Thành biết rằng nếu dừng ở đây Minh mãi mãi là kẻ phạm tội trong mắt người đời. Ông quyết tâm tiếp tục giúp Minh đòi công bằng. “Trong vụ này chỉ có thể là oan chứ không thể nói lập lờ rằng “hành vi trộm cắp không còn nguy hiểm cho xã hội nữa”. Bởi trộm cắp dù ở đâu, vào thời nào cũng đều nguy hiểm cho xã hội cả” - LS Thành kể.

Ông soạn đơn khiếu nại quyết định đình chỉ, yêu cầu xin lỗi bồi thường vì rõ ràng thân chủ ông bị oan, không liên quan đến vụ trộm. Nhưng rồi LS nhận được câu trả lời của VKS: Đã hết thời hiệu giải quyết khiếu nại.

Lúc này, một suy nghĩ đến với ông: Phải mang ra công luận, phải để cơ quan cấp trên biết được những uất ức này của người dân. Ông nghĩ ngay đến báo Pháp Luật TP.HCM - tờ báo có trên bàn làm việc của ông mỗi ngày.

Tháng 10-2015, phòng Công tác bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM nhận được một email với tiêu đề “Minh oan cho người vô tội”. Trong thư, LS Thành bày tỏ niềm tin Minh bị oan và mong muốn báo cử phóng viên tìm hiểu vụ việc nhằm góp một tiếng nói làm rõ sự thật. Đồng thời LS cung cấp hồ sơ để báo có cơ sở thông tin…

“Bài học xương máu”

Vụ án Trần Hoàng Minh đã có mặt trong báo cáo tổng kết ngành kiểm sát TP.HCM năm 2015. Tại hội nghị tổng kết công tác 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016, VKSND TP.HCM đã nêu: “Trong số các vụ phải đình chỉ có một trường hợp anh Trần Hoàng Minh bị truy tố oan về tội trộm cắp tài sản. Báo Pháp Luật TP.HCM đã liên tục phản ánh về vụ này. VKSND huyện Cần Giờ đã đình chỉ vụ án với lý do hành vi không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS”.

Trước đó, từ hồ sơ của LS Thành, báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu và đăng bài “Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan”. Ngay lập tức VKSND Tối cao yêu cầu báo cáo; VKSND TP.HCM chỉ đạo làm đúng pháp luật. Đến lúc này thì VKSND huyện Cần Giờ mới thừa nhận đã làm oan Minh chứ không phải “do chuyển biến của tình hình”. Vì vậy, chưa đầy một tháng sau khi báo đăng, ngày 9-11-2015, VKSND huyện Cần Giờ đã phải “đính chính” quyết định đình chỉ. Anh Minh chính thức vô tội, còn viện trưởng Cần Giờ thì thốt lên rằng “đã có bài học xương máu”.

“Minh tâm sự với tôi có lúc Minh nghĩ rằng công lý cho mình có lẽ chỉ tồn tại trong tâm tưởng. Tôi động viên Minh người này vậy còn có người kia. Báo đăng bài đầu tiên, Minh nói với tôi bây giờ đã có người tin con, ngoài chú và gia đình con… Thật bất ngờ, chỉ ba tuần sau thì VKS thừa nhận làm oan Minh. Cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã đồng hành” - LS Thành xúc động nói.

Thiên chức của luật sư là bảo vệ công lý

Án oan là một thảm họa của nền tư pháp. Nó làm xói mòn lòng tin của người dân vào pháp luật và cao hơn nữa. Minh đã trải qua chuỗi ngày dài đớn đau trong nhà tạm giam. Khi về thì gia đình tan nát, mất mát không gì đong đếm được (vợ chồng Minh ly dị). Đối với người bị oan, không có sự bồi thường hay lời xin lỗi nào có thể bù đắp cho những mất mát của họ. Đối với người gây oan, cho dù có ngàn lần xin lỗi cũng không bằng sự quyết tâm sửa sai để những số phận khác không gặp phải bi kịch oan sai.

Oan sai cũng là cái giá quá đắt đối với sự an toàn của người dân. Bởi những người phạm tội thực sự vẫn có thể nhởn nhơ ngoài xã hội và không loại trừ khả năng tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Tôi cho rằng việc bảo vệ thành công thân chủ mình, nhất là khi anh ta bị oan, chính là thiên chức của nghề luật sư. Điều này góp phần giúp cơ quan tố tụng tìm ra sự thật khách quan và bảo vệ công lý.

 Luật sư ĐOÀN VĂN THÀNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

VKS vẫn chưa xin lỗi, bồi thường oan

Chú Thành (tức luật sư Đoàn Văn Thành - PV) là ân nhân của tôi. Chú đã đem tôi trở về với cuộc đời, cho tôi hiên ngang ngẩng cao đầu. Trong bốn bức tường, không ai tin tôi. Có chú Thành vào, tôi như bắt được cái phao giữa dòng nước lớn. Vậy mà có người còn đến nhà nói tôi hủy giấy mời luật sư thì sẽ được án nhẹ. Chú vẫn đang chỉ dẫn tôi những bước để đòi lại danh dự cho mình. Hiện tôi vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường oan.

TRẦN HOÀNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm