Người lao động thắng kiện dù chưa được ký hợp đồng

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp về tiền lương và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là ông NPH với Công ty TNHH B, quận 1 (gọi tắt là công ty).

Hứa hẹn nhưng không ký hợp đồng

Theo hồ sơ, nguyên đơn trình bày giữa tháng 7-2018, công ty nhận ông vào làm việc tại cơ sở 2 học viện tóc tại quận 10, TP.HCM. Vị trí công việc là chủ nhiệm học viện, hướng dẫn và đào tạo học viên. Hai bên không ký HĐLĐ nhưng thỏa thuận lương là 15 triệu đồng/tháng và phụ cấp, lương trả vào ngày 16 dương lịch hằng tháng bằng tiền mặt.

Quá trình làm việc, ông đều hoàn thành nhiệm vụ và nhiều lần đề nghị được ký HĐLĐ nhưng công ty hứa rồi không ký. Ông H. nhận được tiền lương tháng đầu tiên nhưng từ tháng thứ hai thì lương chậm và công ty tính lương không như thỏa thuận. Trường hợp tháng có 28 ngày thì công ty tính lương 28 ngày, mỗi ngày 500.000 đồng nhưng tháng có 31 ngày thì không trả theo ngày công mà trả theo tháng và trả tiền lương thiếu trong nhiều tháng.

Ngày 16-11-2018, công ty tổ chức cho học viện đi du lịch ở Vũng Tàu. Khi đi du lịch, ông bị ngã vỡ xương gót chân, phải tiến hành phẫu thuật, đóng đinh và bó bột tại BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nên phải nghỉ việc. Sau 45 ngày, công ty gọi điện thoại yêu cầu ông trở lại làm việc nhưng ông không được chi trả trợ cấp ốm đau, chi phí viện phí, thuốc điều trị cũng như đóng bảo hiểm.

Ngày 25-1-2019, công ty yêu cầu ông nghỉ tết Nguyên đán sớm 22 ngày nhưng không trả lương. Ngày 18-3-2019, công ty yêu cầu ông ký bản cam kết bảo mật thông tin, cam kết thời gian làm việc tại học viện ít nhất hai năm. Nguyên đơn thắc mắc thì bị đơn bảo đây là thủ tục bắt buộc, còn HĐLĐ tính sau. Sau khi ký bản cam kết, công ty giữ bản cam kết, không giao cho ông.

Ngày 18-4-2019, người đại diện theo pháp luật của công ty gửi tin nhắn cho ông yêu cầu chấm dứt HĐLĐ với lý do: “Anh thông cảm, chắc anh và em không hợp tác với nhau được nữa. Nay ngày 18, còn hai ngày công, mai em chuyển khoản qua cho anh nhé, cám ơn anh”. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền. Theo ông, việc bị cho nghỉ việc không có lý do là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Do đó, ông H. khởi kiện yêu cầu công ty đóng các loại bảo hiểm theo quy định; trả tiền lương còn thiếu; trợ cấp ốm đau; bồi thường chi phí viện phí, thuốc điều trị; bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, vi phạm thời hạn báo trước; tổn thất tinh thần; tổng số tiền gần 157 triệu đồng.

Sau đó, ông H. rút lại yêu cầu đòi công ty trả tiền trợ cấp ốm đau; chi phí viện phí, thuốc điều trị; tiền lương 22 ngày nghỉ tết Nguyên đán và tổn thất tinh thần.

Ngược lại, bị đơn cho rằng không tồn tại quan hệ lao động, không có tranh chấp nào liên quan đến tiền lương như ông H. trình bày. Công ty phủ nhận những thông tin ông H. đưa ra do thiếu căn cứ nhằm mục đích bêu xấu, gây ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của mình.

Phúc thẩm sửa án từ 1 triệu lên 46 triệu

Xử sơ thẩm vào tháng 9-2020, TAND quận 1 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. về việc đòi công ty trả hai ngày lương làm việc còn nợ là 1 triệu đồng. Còn lại, tòa bác hết các yêu cầu khác và đình chỉ xét xử đối với các yêu cầu ông H. đã rút lại trước đó. Ông H. kháng cáo.

Tại phiên phúc thẩm, các bên thừa nhận có làm việc nhưng không ký HĐLĐ. Bị đơn không đồng ý chi trả, bồi thường do ông H. không hoàn thành nhiệm vụ, thường xuyên đòi nâng lương nên cho nghỉ việc.

HĐXX nhận định: Theo Điều 22 Bộ luật Lao động quy định về loại HĐLĐ thì mặc dù ông H. và công ty không ký HĐLĐ nhưng các bên đã thừa nhận về công việc và thời gian thực tế đã làm việc. Theo đó, thời hạn hợp đồng của ông H. là loại hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng. Do ông H. đã làm việc thực tế và liên tục chín tháng nên HĐLĐ của ông được xác định thời hạn là 12 tháng. Như vậy, việc công ty đơn phương cho ông H. nghỉ việc là không đúng.

Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật theo Điều 42 Bộ luật Lao động, công ty phải bồi thường cho ông H. về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hai tháng lương 30 triệu đồng. Đồng thời, theo như lời thừa nhận của các đương sự thì ngày 18-4-2019 có việc phía công ty nhắn tin cho ông H. nghỉ việc nhưng lại không báo trước 30 ngày (theo Điều 38 Bộ luật Lao động). Do đó, ông H. yêu cầu bồi thường khoản tiền tương ứng với tiền lương do không được báo trước 30 ngày là 15 triệu đồng là có cơ sở chấp nhận.

Từ đó, HĐXX sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải thanh toán cho ông H. số tiền từ 1 triệu đồng lên 46 triệu đồng.

HĐXX cũng đình chỉ xét xử phúc thẩm với yêu cầu buộc công ty bồi thường bốn tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật 60 triệu đồng, trả trợ cấp thôi việc với thời gian làm việc 1/2 tháng tiền lương là 7,5 triệu đồng và truy đóng bảo hiểm xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm