Ông Vũ Huy Hoàng: 'Tôi không đổ tội cho thứ trưởng'

Ngày 23-4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án sai phạm liên quan đến khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). Đại diện VKS cùng luật sư tiếp tục xét hỏi đối với các bị cáo từng công tác tại Bộ Công Thương cũng như một số ban, ngành thuộc UBND TP.HCM.

“Tôi không có động cơ, vụ lợi gì”

Là một trong những bị cáo được đặt nhiều câu hỏi nhất, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết tại kỳ họp Quốc hội cuối cùng khóa 13 diễn ra vào cuối tháng 3-2016, ông được Quốc hội miễn nhiệm bộ trưởng Bộ Công Thương. Tiếp đó, Chủ tịch nước ký quyết định bãi nhiệm ông chức vụ này.

Kể từ khi không còn làm việc theo quyết định bãi nhiệm, ông Hoàng khẳng định không hề tham gia công việc của Bộ Công Thương mà chỉ chuẩn bị bàn giao tài liệu, tham gia các phiên họp cuối cùng liên quan đến nhân sự. “Tôi không có tác động, gây ảnh hưởng vì tôi không có vị thế gì để làm việc này. Tôi cũng không có động cơ, vụ lợi gì để làm việc này” - ông Hoàng nói.

Cựu bộ trưởng tiếp tục có một số lời khai giống với ngày đầu diễn ra phiên xử, rằng việc thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl là thực hiện chủ trương của Chính phủ về thoái vốn khỏi các ngành nghề không phải kinh doanh chính, đồng thời các nhà đầu tư yêu cầu bổ sung vốn điều lệ nhưng Sabeco không có khả năng tài chính. Mặt khác, Sabeco cũng thấy rằng tiếp tục triển khai dự án là không khả thi.

Bị cáo Vũ Huy Hoàng cùng các đồng phạm tại tòa. Ảnh: ANH NAM

Đáng chú ý, cáo trạng thể hiện ngày 29-3-2016, ông Hoàng chủ trì cuộc họp về thoái vốn Sabeco. Tại cuộc họp, ông Hoàng được báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB xác định giá Sabeco Pearl là 14.433 đồng/cp. Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng đây là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở nên quyết định giá khởi điểm thoái vốn thấp hơn, ở mức 13.247 đồng/cp.

Trả lời về cáo buộc trên, ông Hoàng tiếp tục giữ lời khai rằng do cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa khi đó đi vắng nên ông chủ trì thay. Đây cũng không phải là cuộc họp thẩm định giá khởi điểm thoái vốn.

Trước đó, trả lời HĐXX, cựu bộ trưởng Bộ Công Thương còn cho biết sau cuộc họp, văn phòng có ra thông báo kết luận của bộ trưởng. Thông báo của cuộc họp được thể hiện qua nhiều văn bản.

Trong đó, vì “sợ diễn giải sai”, ông Hoàng yêu cầu sửa thông báo ban đầu, thay thế bằng thông báo mới, nêu rõ ông chỉ đưa ra mức giá sàn để tham khảo khi thoái vốn chứ không kết luận phải sử dụng giá nào, đồng thời yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo lợi ích nhà nước. Tuy nhiên, thông báo mới này không được cơ quan điều tra ghi nhận.

“Tôi cũng không đổ tội cho thứ trưởng Thoa”

Cũng theo cáo trạng, trong quá trình điều tra, bị cáo Vũ Huy Hoàng chỉ thừa nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu Bộ Công Thương và cho rằng trách nhiệm chính thuộc về cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.

Cựu bộ trưởng Bộ Công Thương còn khẳng định việc chấp thuận cho Sabeco Pearl được làm chủ đầu tư dự án, được thuê đất thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND TP.HCM.

Tại phần xét hỏi của đại diện VKS, ông Hoàng phản bác cáo buộc của cơ quan này về việc mình phủ nhận trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới. “Tôi chưa bao giờ đổ trách nhiệm cho cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa (hiện đang bỏ trốn - PV) hay những thuộc cấp khác” - cựu bộ trưởng nói. Ông tiếp tục “xin nhận trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu ngành công thương”.

Thấy vậy, kiểm sát viên liền đặt câu hỏi: “Bị cáo thấy trách nhiệm của mình như thế nào trong vụ án?”. Đáp lời, ông Hoàng nói theo quy định thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chung các công việc bộ điều hành. Tuy nhiên, Bộ Công Thương có quy chế làm việc rõ ràng, bộ trưởng và các thứ trưởng được phân công từng mảng công việc cụ thể.

“Tôi làm công tác chiến lược, quy hoạch, nội chính. Thứ trưởng Thoa được giao phụ trách nhiều mảng, trong đó có lĩnh vực công nghiệp nhẹ, trực tiếp quản lý Sabeco” - bị cáo dẫn giải. Bị cáo cũng nhiều lần nhấn mạnh mình không phụ trách quản lý Sabeco nên không liên quan sai phạm của doanh nghiệp này.

Theo bị cáo, ông không trực tiếp quản lý Sabeco nên chỉ nắm được thông tin khi thuộc cấp báo cáo xin ý kiến. Năm 2003 là thời điểm lần đầu tiên ông tiếp nhận thông tin về dự án xây khu văn phòng của Sabeco khi bộ phận quản lý vốn ở đơn vị này gửi văn bản xin thay thế nhà đầu tư.

Hôm nay (24-4), tòa tiếp tục làm việc.

Nhiều bị cáo thừa nhận hành vi

Ngoài cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín xin xét xử vắng mặt, các bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ của một số ban, ngành thuộc UBND TP.HCM khi được xét hỏi đều thừa nhận hành vi nhưng đề nghị HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội.

Bị cáo Lê Quang Minh (cựu trưởng Phòng Phát triển hạ tầng Sở KH&ĐT) cho biết bản thân nhận thức đây là dự án thuộc Bộ Công Thương quản lý, đã có ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính. Lẽ ra bị cáo cần phải xin ý kiến các sở, ngành của TP.HCM nhưng lại chỉ tổng hợp ý kiến của các bộ nêu trên vì cho rằng nếu có xin ý kiến các sở, ngành thì họ cũng sẽ phải hỏi ý kiến của bộ, ngành liên quan. Chính vì vậy, bị cáo thừa nhận thiếu sót của mình là không thực hiện đúng theo ý kiến của TP về việc phải xin ý kiến các sở, ngành.

Tương tự, bị cáo Lâm Nguyên Khôi (cựu phó giám đốc Sở KH&ĐT) cũng thừa nhận có thiếu sót khi không xin đủ ý kiến các đơn vị cần thiết. Tuy nhiên, bị cáo này cho rằng thời điểm đó dự án có mức vốn lớn, thuộc đầu tư không có điều kiện nên buộc phải cấp giấy chứng nhận.

Bị cáo Đào Anh Kiệt (cựu giám đốc Sở TN&MT) thì cho rằng chủ trương đã có nên sở chỉ ký thừa ủy quyền nhằm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo lời bị cáo, nhiệm vụ lúc đó của ông chỉ là quy tắc hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Dù vậy, bị cáo nói nếu xét toàn diện thì mình có sai phạm, mong HĐXX cân nhắc và xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm