Tòa nêu khả năng dẫn giải… bị hại

TAND quận 5, TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử bị cáo Phan Thị Thu Hương (ngụ quận 5) về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn do vắng mặt bị hại.

Đánh người khi hòa giải tại trụ sở công an

Theo hồ sơ, tối 31-1-2019, anh Cam Đại Thanh Lễ (phó ban quản trị chung cư EverRich Infinity, quận 5) thấy căn hộ của bà Phan Thị Thu Hương đang nấu ăn và mở cửa khiến mùi thức ăn bay ra hành lang, dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại.

Chiều 9-3-2019, Công an phường 4 (quận 5) mời vợ chồng bà Hương đến trụ sở công an gặp anh Lễ để giải quyết vụ việc. Trong lúc công an tiến hành hòa giải, bà Hương yêu cầu anh Lễ phải bồi thường tiền thuốc do anh này đánh bà gây thương tích.

Anh Lễ không đồng ý với yêu cầu trên và có ý kiến sẽ đưa vụ việc ra tòa giải quyết. Nghe vậy, bà Hương cầm điện thoại di động đánh vào mặt anh Lễ nên bị công an phường lập biên bản ghi nhận sự việc.

Sau đó, anh Lễ gửi đơn yêu cầu khởi tố hình sự đối với bà Hương vì tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 11% và yêu cầu bà Hương bồi thường hơn 133 triệu đồng.

Cáo trạng cho rằng bà Hương dùng điện thoại có bọc ốp lưng bằng nhựa là vật cứng, tày có cạnh gây thương tích cho anh Lễ (11%) nên thuộc trường hợp hung khí nguy hiểm. Từ đó, bà Hương bị truy tố tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS (khung hình phạt 2-6 năm tù).

Bị cáo Phan Thị Thu Hương. Ảnh: NGÂN NGA

Bị cáo đề nghị giám định lại tỉ lệ thương tích

Tháng 10-2019, VKSND quận 5 đã có văn bản đề nghị tòa ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để xem xét, giải quyết đơn của bà Hương về việc không nhất trí với kết quả giám định tỉ lệ thương tật của bị hại Lễ và đề nghị giám định lại. Tháng 11-2019, VKS trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ những vấn đề trên.

Sau đó, cơ quan điều tra cho rằng bị cáo đề nghị giám định lại tổn thương cơ thể của bị hại do nhận định chủ quan, không chứng minh được kết quả giám định ban đầu là không chính xác. Anh Lễ cũng không đồng ý giám định lại, do hiện nay tình trạng thương tích đã ổn định… Do đó, cơ quan điều tra không giám định lại tỉ lệ tổn thương cơ thể của bị hại.

Tháng 12-2019, VKSND quận 5 có công văn gửi tòa án giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Hương.

Đầu năm 2020, TAND quận 5 tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu VKS làm rõ việc giấy điều trị bệnh của anh Lễ thể hiện từ ngày 7-3-2019 nhưng ngày nhập viện là ngày 9-3-2019, xem xét yêu cầu giám định lại của bị cáo... Tuy nhiên, VKSND quận 5 vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Hương.

Cuối tháng 8 vừa qua, TAND quận 5 tiếp tục mở phiên xét xử nhưng phía bị hại vắng mặt tại phiên tòa. Trước tình huống này, chủ tọa phiên tòa đã phải hỏi ý kiến luật sư (LS) của bị cáo và đại diện VKS.

LS của bị cáo Hương cho biết có hoãn hay không là quyền của HĐXX nhưng đây là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Còn đại diện VKS cho rằng sự vắng mặt của bị hại không vì sự kiện bất khả kháng. Trong khi đó, tòa cần phải làm rõ việc cố ý gây thương tích của bị cáo, quá trình điều trị bệnh của bị hại, mức bồi thường thiệt hại dân sự. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Sau khi vào hội ý, HĐXX cho rằng đây là vụ án cần phải có mặt bị hại để làm rõ nhiều vấn đề về hành vi cũng như bồi thường dân sự nên đã quyết định hoãn phiên tòa. Nếu bị hại không có mặt tại phiên tòa sau, tòa sẽ dẫn giải.

Bị hại nhận được tin nhắn đe dọa?

Tại tòa, LS của bị hại cung cấp thông tin cho rằng bị hại có nhận được tin nhắn đe dọa. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa đã cắt ngang để trình bày sau.

Trao đổi với PV, LS của bị cáo Phan Thị Thu Hương cho biết đã có đơn gửi cơ quan chức năng để làm rõ nội dung tin nhắn. Trong đơn nêu rõ: “Việc ai đó nhắn tin vào máy điện thoại của anh Lễ như vậy là nhằm đe dọa, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần phải được điều tra, xác minh nhằm răn đe và phòng ngừa chung. Trường hợp tin nhắn đó do gia đình bị cáo gửi thì cũng phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Tuy nhiên, nếu tin nhắn đe dọa không phải do gia đình bị cáo gửi thì cũng là cách trả lại thanh danh, sự công bằng cho gia đình bị cáo”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm