Bị hại rút đơn, bị cáo được trả tự do tại tòa

TAND tỉnh Phú Yên vừa xử phúc thẩm vụ án cố ý gây thương tích và tuyên trả tự do cho bị cáo Nguyễn Trọng Nghĩa (sinh năm 2002, trú huyện Phú Hòa, Phú Yên) ngay tại phiên tòa.

Đồng thời, HĐXX đã tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Hòa và đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyết định tạm giam đối với bị cáo Nghĩa.

Dùng mũ bảo hiểm đánh người vì chuyện cũ

Theo hồ sơ, Nghĩa phạm tội trộm cắp tài sản, đang được tại ngoại chờ ngày tòa xét xử. Sáng 5-2, Nghĩa cùng Dương Hải Thuận (sinh năm 2001, trú huyện Phú Hòa) mỗi người điều khiển một mô tô đi trên đường liên thôn thuộc xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa thì thấy Nguyễn Tấn Thịnh điều khiển mô tô đi ngược chiều.

Do trước đây cả hai từng bị Thịnh đánh nên Nghĩa xuống xe, chờ Thịnh đến thì vung tay đánh một cái vào mặt. Bị đánh, Thịnh tăng ga bỏ chạy, Nghĩa điều khiển xe đuổi theo đánh Thịnh. Thấy vậy, Thuận cũng lái xe đuổi theo.

Nghĩa đuổi đến ngã tư thôn Nho Lâm, xã Hòa Quang Nam thì chặn được Thịnh và đánh vào mặt Thịnh hai cái. Thuận đến nơi cũng xông vào đánh. Thịnh xin lỗi nhưng vẫn bị Nghĩa dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu và người.

Thấy Thịnh bị chảy máu mũi, Thuận nói Nghĩa đừng đánh nữa rồi cả hai bỏ đi. Thịnh được đưa đến BV đa khoa tỉnh Phú Yên rồi chuyển vào TP.HCM điều trị, thương tích 9%.

Được biết Nghĩa có nhân thân xấu, nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích. Ngày 12-2, tức chỉ một tuần sau khi xảy ra sự việc, Nghĩa bị TAND huyện Phú Hòa tuyên phạt chín tháng tù về tội trộm cắp tài sản.

Ngày 15-2, Thịnh làm đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Sau đó, Nghĩa và Thuận bị khởi tố, điều tra về tội cố ý gây thương tích. Ngày 5-3, Nghĩa bị bắt tạm giam, Thuận được tại ngoại.

VKSND huyện Phú Hòa đã truy tố đối với Nghĩa, Thuận về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS (phạm tội thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm).

Đình chỉ do người bị hại rút yêu cầu khởi tố

Xử sơ thẩm ngày 12-5, TAND huyện Phú Hòa tuyên phạt Nghĩa sáu tháng tù, cộng với bản án trước, tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải chấp hành là một năm ba tháng tù. Thuận bị xử phạt sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngày 15-5, người bị hại Thịnh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Nghĩa, Thuận, sau đó rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với cả hai.

Tại phiên xử phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Cùng quan điểm, luật sư bào chữa cho bị cáo Nghĩa cũng đề nghị hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.

HĐXX phúc thẩm nhận định các bị cáo có hành vi dùng tay, mũ bảo hiểm đánh người bị hại nhiều cái gây thương tích 9%. Tuy thương tích dưới 11% nhưng các bị cáo dùng mũ bảo hiểm gây thương tích cho người bị hại là thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm.

Đồng thời, người bị hại có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự nên cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng tội.

Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm, người bị hại Nguyễn Tấn Thịnh có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án đối với Nghĩa, Thuận. Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại trình bày việc rút yêu cầu khởi tố vụ án là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc, cưỡng bức.

Việc khởi tố vụ án này thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, nay người bị hại rút yêu cầu khởi tố vụ án. Do đó, HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS và luật sư, quyết định tuyên án như trên.

HĐXX cũng tuyên rõ trong bản án phúc thẩm, việc hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người bị hại đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của tòa sơ thẩm.

Được biết theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trường hợp này không được bồi thường oan.

Các trường hợp không được bồi thường oan

a) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;

b) Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm;

c) Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố;

d) Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

(Khoản 2 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm