Phát triển đô thị - Một năm nhìn lại và suy ngẫm

Sau một năm, nhiều câu chuyện liên quan đến đô thị đã xảy ra ở TP.HCM, dù tiến trình để đi đến kết cục này đã diễn ra từ trước đó rất lâu và năm 2018 là năm bộc lộ ở đỉnh điểm.

Vụ cháy chung cư Carina

Ngày 23-3, chung cư Carina trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8 phát hỏa dữ dội làm chết 13 người, 27 người bị thương, thiệt hại nhiều chục tỉ đồng, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất nhiều tháng.

Từ vụ cháy lớn này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho việc buông lỏng quản lý các loại chung cư “cao cấp”. Tất cả cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương trên phạm vi toàn quốc phải vào cuộc để kiểm định lại vấn đề an toàn cháy nổ ở các chung cư. Một loạt vấn đề được đặt ra như đánh giá, phân loại chung cư để có bộ tiêu chí tương thích; cấp giấy phép xây dựng, quy trình nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng khi chưa hoàn tất hệ thống PCCC; phân trách nhiệm rõ ràng giữa chủ đầu tư và ban quản lý chung cư; kiểm định và duy tu thường xuyên hệ thống PCCC; lấn chiếm không gian an toàn được xem xét lại; một loạt chung cư mất an toàn được công bố, khắc phục,…

Cơn bão số 9 Usagi tháng 11-2018 đã khiến hơn 70% diện tích TP bị ngập sâu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cơn bão số 9 Usagi

Cơn bão lịch sử này đã trút xuống TP.HCM một lượng mưa kỷ lục khiến hơn 70% diện tích TP bị ngập sâu dài ngày từ 0,5 đến 1 m nước, toàn bộ cuộc sống của người dân vùng ngập bị đảo lộn. Từ đây TP phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại một cách toàn diện việc phát triển TP trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra theo chiều hướng cực kỳ mau lẹ, vô cùng thất thường và không lường trước được.

Một chiến lược phòng, chống và “thích nghi” với thiên tai cần được xây dựng cẩn trọng không chỉ cho 5, 10 năm mà còn cho hàng trăm năm sau. Những vấn đề cần đặt ra là xem xét lại quy hoạch tổng thể, đánh giá lại các dự án xây dựng, các công trình kiến trúc xem đã thực sự ổn trước diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu hay chưa.

Với nhãn quan đó, rõ ràng TP có nhiều quan điểm phát triển cần thay đổi một cách căn cơ như hạn chế phát triển về hướng Nam, chuyển hướng phát triển chính của TP về hướng Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc nơi có thế đất cao. Các sông ngòi thoát nước cần kiên quyết, bằng mọi giá phải được khôi phục, mọi thứ làm cản dòng chảy dù là nhà dân, biệt thự hay nhà máy thì cũng phải bị dỡ bỏ để cứu TP.

Hơn thế nữa, TP nên dũng cảm từ bỏ cách chống ngập ăn đong theo kiểu đối phó sự vụ (nâng đường, đào hố, chặn dòng, bơm chuyền) vừa tốn kém mà ngập vẫn hoàn ngập. Nên tính đến các giải pháp căn cơ dài hơi hơn nữa, cho dù tốn kém đến đâu nhưng hiệu quả thì vẫn phải chấp nhận. Một nhận thức rất xưa cũ rằng Sài Gòn không bao giờ bị bão lũ phải được đưa ra khỏi tiềm thức của người dân.

Vụ 8-12 Lê Duẩn, 32 ha đất ở Phước Kiển, Nhà Bè

Hai vụ việc này cho thấy một điều rất hệ trọng rằng ở các TP lớn thì người sinh sôi nảy nở chứ đất thì không đẻ thêm dù chỉ 1 cm. Bài học rút ra ở đây là việc quản lý và kiểm soát đất công cần có một cơ chế chặt chẽ hơn nữa.

Một TP dù lớn đến đâu thì đất phải được sử dụng một cách chắt chiu, tiết kiệm, nhất là đối với những mảnh đất vàng, kim cương và một khi đã sử dụng thì phải mang lại hiệu quả tốt nhất cho cả ba phía: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

72% đất của TP sẽ bị ngập khi mực nước biển dâng cao từ 0,7 đến 1 m, nền đất của TP rất yếu, những vùng đất còn hữu dụng của TP sẽ ngày càng ít đi. Vì thế xây dựng một chiến lược hành động cho việc sử dụng đất công và đất tư một cách hiệu quả là cần thiết, kể cả việc lựa chọn các nhà đầu tư có tâm, có tầm và có tấm lòng.

Vụ dinh Thượng thơ

Những ồn ào sau câu chuyện dinh Thượng thơ đã lắng xuống, UBND TP đã tiếp thu ý kiến công luận giữ lại công trình này và tìm phương án khác tốt hơn cho khu đất 59-61 Lý Tự Trọng.

Từ câu chuyện này cho thấy trước những quyết định quan trọng, nhạy cảm nên tham khảo chân thành ý kiến người dân TP và các chuyên gia. So với 15-20 năm về trước, người dân đã trưởng thành, trình độ chính trị, sự hiểu biết luật pháp và kiến thức đã được nâng lên rất nhiều. Họ không những biết bảo vệ hợp pháp quyền lợi của mình mà còn đủ năng lực tham gia vào việc hoạch định, đánh giá, phản biện chính sách.

Thêm nữa, câu chuyện dinh Thượng thơ cho thấy tình cảm thiết tha của người dân với TP lớn biết chừng nào. Mỗi di sản mất đi dù là một cây cầu, một hàng cây, một tòa nhà, một tháp nước cũng làm họ nuối tiếc và đau xót.

Với một TP còn trẻ thì việc nâng niu, chắt chiu di sản là điều cực kỳ hệ trọng. Như một con người, TP không có quá khứ sẽ trở nên vô cảm, rã rời.

Năm 2018, nhiều lý do khác nhau mà TP.HCM không có nhiều dấu ấn về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật mới, rầm rộ như năm 2016, 2017. Việc xây dựng cầu đường, metro, các khu dân cư, chung cư, cao ốc vẫn diễn ra nhưng có phần chững lại. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn mà cả chính quyền TP và doanh nghiệp cần lắng lại để đánh giá lại tiềm năng, nguồn lực, chọn hướng đi phù hợp hơn trong bối cảnh mới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm