Phạt vì ‘chê’ bộ trưởng: Chưa thấu lý đạt tình

Cùng với quyết định trên, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền - nơi BS Truyện công tác - cũng kỷ luật mức khiển trách với ông theo Nghị định 27/2012 của Chính phủ.

Có điều này vì BS Truyện đăng trên Facebook với nội dung “khuyên” Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên nghỉ, chê Bộ yếu kém trong công tác tham mưu vấn đề an ninh ở bệnh viện, không về cơ sở...

Các quyết định nêu trên là chưa chuẩn cả lý lẫn tình.

Về lý, việc BS Truyện cho là bà Tiến yếu kém công tác tham mưu vấn đề an ninh là nhận định riêng của ông. Đành rằng ngành y có nhiều công văn, văn bản siết chặt vấn đề này nhưng thực tế BS, nhân viên y tế vẫn bị hành hung, bị tát, đánh, chửi khi đang cấp cứu cho bệnh nhân… Là người làm nghề y, ông Truyện bức bối với điều này và ông có quyền đưa ra nhận định của mình.

Tương tự, ông có quyền yêu cầu người đứng đầu ngành y sâu sát hơn với thực tế để biết an ninh công tác khám chữa bệnh, tình trạng quá tải của bệnh viện, của nhân viên y tế… thì có gì sai?

Chẳng ai thấy đâu là hành vi “xúc phạm danh dự, uy tín bà Tiến” vì đây là tồn tại của ngành y; cũng chẳng thấy đâu là hành vi “đưa tin không đúng sự thật”. Có thực sự ông Truyện đã “xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” chưa để đến mức bị xử phạt?

Chưa hết, theo chánh Văn phòng Bộ Y tế, cơ quan chỉ yêu cầu Sở Y tế  tỉnh Thừa Thiên-Huế xác minh, xử lý theo quy định chứ không hề yêu cầu xử phạt, kỷ luật. Vì vậy, nếu cho là hành vi của BS có xúc phạm bà Tiến thì cá nhân bà phải yêu cầu xử lý, chứ không phải lấy tư cách bộ trưởng rồi yêu cầu cấp dưới xử lý cho chính cá nhân bà.

Và một khi cá nhân bà Tiến yêu cầu xử lý, dù chưa có quy trình, thì đơn vị xử lý là Sở TT&TT phải lắng nghe cả hai bên, ghi nhận ý kiến để tránh việc khiếu kiện, không “tâm phục khẩu phục” sau khi ra quyết định xử phạt. Ở đây, Sở TT&TT chỉ nghe BS “nhận lỗi vi phạm” rồi ra quyết định xử phạt là hơi vội vàng…

Chưa ổn về nội dung vi phạm, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã kỷ luật viên chức theo điều khoản mơ hồ “vi phạm quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức” của Nghị định 27/2012, liệu có thuyết phục?

Về tình, việc BS nói thẳng, nói thật với tư lệnh ngành y có vẻ nhạy cảm, gay gắt nhưng nếu hiểu theo nghĩa tích cực thì đó là đặt hàng của BS, của người dân với bộ trưởng để ngành y phục vụ nhân dân tốt hơn. Và sau khi “bị” làm việc, BS Truyện đã nhận thức lại, xóa nội dung trên Facebook. Liệu có cần xử phạt ông?

Nói về trường hợp này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu: “Người dân đóng góp ý kiến cho bộ trưởng là chuyện hết sức bình thường. Lẽ ra với sự việc này, cơ quan có trách nhiệm của Bộ nên gặp và chia sẻ, trao đổi với BS đó để người ta tự rút kinh nghiệm trong ứng xử thì hay hơn là việc dùng chế tài. Làm như thế (xử phạt - PV) người ta sẽ hiểu sai, dùng đúng chữ là “chặn họng””.

Còn nhớ năm 2015, một cô giáo và hai người khác ở An Giang cũng bị phạt tiền do đăng trên Facebook hình ảnh kèm bình luận không hay về chủ tịch tỉnh An Giang. Lúc đó cơ quan chức năng tỉnh này cũng gán cho họ có hành vi “xúc phạm danh dự, uy tín, đưa tin không đúng sự thật…” nhưng sau đó An Giang đã hủy bỏ các quyết định xử phạt vì “quan không nghe dân góp ý thì nghe ai?”. Trường hợp của BS Truyện có nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, rất mong cơ quan chức năng Thừa Thiên-Huế cũng làm điều tương tự với
BS Truyện.

Thành viên của Chính phủ kiến tạo mà không nghe dân góp ý, liệu có đạt được mục tiêu?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm