Phí tác quyền: Đã kinh doanh, buộc phải đóng

Theo thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - Chi nhánh phía Nam, trong lần thu phí tác quyền âm nhạc đợt 1 năm 2013, tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) chỉ có 8/230 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke... đóng tiền. Tuy mức thu chỉ là 25.000 đồng/phòng/năm nhưng nhiều khách sạn “chưa vội đóng hoặc đã đóng nhưng còn băn khoăn”.

Lấn cấn đối tượng trả phí

Ông Tạ Văn Phường, Phó Giám đốc khách sạn Sammy (đường Thùy Vân, TP Vũng Tàu), nêu ý kiến: “Khách sạn Sammy có 119 phòng ngủ và vẫn đóng đầy đủ tiền tác quyền âm nhạc là hơn 12 triệu đồng. Theo VCPMC và Phòng Văn hóa-Thông tin TP Vũng Tàu, trong phòng ngủ của khách sạn có tivi, lắp truyền hình cáp. Tivi phát nhiều kênh trong đó có các kênh ca nhạc. Vì các tivi đó dùng để kinh doanh phục vụ khách nên buộc phải trả phí tác quyền. Thế nhưng hằng tháng chúng tôi đều đã đóng tiền bao trọn gói truyền hình cáp cho nhà mạng. Lại nữa, khách thuê phòng có thể không mở tivi hoặc không xem kênh ca nhạc. Vậy buộc chúng tôi phải trả phí tác quyền nữa thì có đúng không?”.

Cũng theo ông Phương, các đơn vị chức năng không giải thích rõ với doanh nghiệp (DN) các thông tin cần thiết, như trong tiền tác quyền thì tác giả bài hát sẽ được chi trả bao nhiêu, cơ sở nào để đưa ra mức thu như trên…

Một số DN còn lấn cấn trong việc đóng phí tác quyền âm nhạc trong khách sạn.Ảnh: HTD 

Tương tự, ông Lê Văn Chinh, Giám đốc khách sạn Đồi Dừa (TP Vũng Tàu), cũng ủng hộ việc thu phí tác quyền âm nhạc. Song theo ông thì đối tượng nộp phí này nên là trung tâm truyền hình cáp chứ không phải là các cơ sở kinh doanh…

Ông Hồ Thanh Hưng, Phó Chánh Thanh tra Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay: Sở có nhận được những thắc mắc như trên của các DN kinh doanh khách sạn, dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh. Trước và sau khi Nghị định 131/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) có hiệu lực, Sở đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng lên kế hoạch triển khai, tuyên truyền để các đơn vị thực hiện. Sở cũng đã có ý kiến với VCPMC để sắp tới tổ chức các lớp tập huấn, trả lời những vấn đề DN còn chưa rõ để việc thu phí tác quyền trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt.

Phí thu theo thỏa thuận

Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC Chi nhánh phía Nam, để làm rõ các thắc mắc nêu trên.

. Ông nghĩ sao về ý kiến khi đã ký hợp đồng thuê bao với DN thì lẽ ra các trung tâm truyền hình cáp phải đóng phí tác quyền thay cho DN?

+ Trong việc sử dụng âm nhạc cho mục đích kinh doanh, các DN đã sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Còn đối với các đài phát thanh, truyền hình thì họ lại sử dụng quyền khác, đó là quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Đây là hai loại quyền khác nhau, tương ứng với hai hình thức sử dụng khác nhau.

Việc các khách sạn đã trả tiền cho truyền hình cáp chỉ là trả tiền thuê bao để sử dụng đường truyền phát sóng vệ tinh, đường truyền cáp của các đài, trong đó không bao gồm tác quyền âm nhạc. Hay nói chính xác là không bao gồm tiền sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng. Cho nên các khách sạn phải trả phí cho việc sử dụng này và VCPMC là đơn vị được hơn 2.800 nhạc sĩ ủy thác thu phí.

. Với khách sạn thì VCPMC thu phí dựa trên đầu phòng, còn với các lĩnh vực karaoke, cà phê, nhà hàng… thì sao, thưa ông?

+ Với khách sạn, đa số chúng tôi dựa trên đầu phòng. Dù có những phòng hai tivi chúng tôi vẫn tính trên đầu phòng mà thôi.

Với karaoke, chúng tôi cũng dựa trên số phòng, tuy nhiên chúng tôi luôn điều chỉnh mức thu. Ví dụ, chúng tôi áp dụng thu nguyên phí tác quyền với năm phòng karaoke đầu tiên nhưng với năm phòng kế tiếp sẽ giảm 20%. Tức đơn vị kinh doanh karaoke có càng nhiều phòng, mức phí tác quyền càng giảm. Với các nhà hàng, quán cà phê… chúng tôi tính dựa trên diện tích và ghế ngồi.

Phải khẳng định điều này, chúng tôi chỉ thu phí đối với những đơn vị có yếu tố kinh doanh. Riêng với việc sử dụng trong gia đình thì chúng tôi hoàn toàn không thu, dù là tivi thông thường, tivi thông minh (smart tivi) hay karaoke gia đình.

. Cũng có ý kiến cho rằng việc xem kênh nào phụ thuộc vào lựa chọn của khách lưu trú và họ phải trả phần chi phí này…

+ Đúng là việc xem kênh truyền hình nào tùy thuộc vào khách hàng và không ai có thể giám sát. Vậy nên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc trả tác quyền thuộc về nghĩa vụ của DN, của chủ đầu tư có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh. Hiện mức tác quyền sử dụng âm nhạc 25.000 đồng/phòng (sử dụng tivi)/năm là mức khoán gọn, áp dụng chung cho các khách sạn.

. Được biết các DN có thể thỏa thuận với VCPMC về việc nộp phí. Nếu vì chưa đàm phán được giá nên các khách sạn không đóng phí thì điều gì sẽ xảy ra?

+ Trong việc đóng phí tác quyền, các khách sạn ở TP.HCM, Bình Dương gần như đã thực thi hết 100%. Ở các địa phương khác, trong trường hợp chưa đàm phán được thì các khách sạn phải ngưng sử dụng tác phẩm. Nếu họ vẫn tiếp tục sử dụng âm nhạc thì theo ủy quyền của hơn 2.800 nhạc sĩ, chúng tôi có thể khởi kiện họ.

TRÙNG KHÁNH - QUỲNH TRANG

Việc thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc được căn cứ vào các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Nghị định 100/2006 và Nghị định 85/2011/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều của NĐ 100/2006) của Chính phủ. Theo đó, các quán cà phê, karaoke, bar, nhà hàng, khách sạn… đang sử dụng âm nhạc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình… để phục vụ việc kinh doanh tại cơ sở của mình, phải trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có văn bản quy định cụ thể về biểu giá mà hoàn toàn là thỏa thuận giữa hai bên. Do vậy, tại các quốc gia đang phát triển, một số tổ chức đại diện bản quyền trong nước thường áp dụng cách tính theo thông lệ quốc tế và dựa trên thu nhập bình quân của mỗi quốc gia.

Luật sư LÊ QUANG VY, Tổng Giám đốc Công ty Luật Việt Long Thăng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm