Phía sau sự hài lòng về phục vụ hành chính

(PLO)- Chuyển đổi số là chìa khóa cho bâng cao hiệu quả hành chánh vì nó không chỉ cải thiện về thủ tục mà còn giảm người, giảm chức danh và tiến tới giảm cả công sở. 

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính và chỉ số cải cách hành chính năm 2021 được công bố sáng 25-5 cho thấy cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Đi cùng với đó là tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu quả của nền hành chính…

Việc triển khai điều tra xã hội học đối với công tác cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, ngành, địa phương năm 2021 được thực hiện với trên 79.600 phiếu, gồm hơn 49.600 phiếu khảo sát nhóm đối tượng công chức, lãnh đạo, quản lý tại các bộ, địa phương, cao hơn 2,25 lần so với năm 2020 và gần 30.000 phiếu khảo sát người dân, doanh nghiệp.

Xét trong 10 năm đánh giá, chỉ số CCHC liên tục duy trì xu hướng tăng, giá trị trung bình của chỉ số này năm 2021 cao hơn 10,69% so với năm 2012.

Việc một số địa phương nhiều lần đạt thứ hạng cao như Quảng Ninh, Hải Phòng phản ánh sự ổn định và chính xác trong đánh giá. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, một điểm nổi bật là tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cấp độ cao) ở mức 76%, tăng rất nhanh so với năm 2020 chỉ đạt 30%.

Con số tổng quát là vậy, đi vào chi tiết có những vấn đề cần xem xét, điều chỉnh để nền hành chính đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Người dân và tổ chức chủ yếu tiếp cận thông tin về cơ quan cung ứng dịch vụ công và quy định thủ tục hành chính (TTHC) vẫn chủ yếu thông qua công chức. Tỉ lệ này thông qua mạng Internet chỉ là 12,64% và 14,89%. 46/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu và 22/63 tỉnh có người dân, tổ chức phản ánh phải trả thêm tiền, ngoài phí, lệ phí.

Ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi cải thiện nhiều nhất là: Tiếp tục đơn giản hóa TTHC; rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; tăng cường nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Mặc dù TTHC nhận được sự hài lòng cao thứ hai trong năm yếu tố được đánh giá nhưng hai nội dung được mong đợi cải thiện nhiều nhất đều thuộc yếu tố này. Đây là tín hiệu khẳng định đòi hỏi đối với việc cải thiện thủ tục rất cấp bách.

Lời giải cho việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục trong bối cảnh hiện nay chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên nền tảng trực tuyến. Việc người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần xảy ra tại 61/63 tỉnh và thống kê về tiếp cận thông tin trên Internet chỉ ra việc sử dụng mạng trong dịch vụ công còn rất hạn chế. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng thừa nhận: “Nhiệm vụ rất cấp bách và quan trọng hiện nay là tập trung cao cho việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thật mạnh mẽ, thật đồng bộ, thật toàn diện từ trung ương đến cấp cơ sở”.

Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hoàn toàn không mâu thuẫn với chủ trương và kế hoạch tinh giản biên chế của các bộ, ngành, địa phương. Bởi lẽ chuyển đổi số không chỉ cải thiện rõ rệt về thủ tục - tức giảm việc - mà còn giảm người, giảm chức danh và tiến tới giảm cả công sở. Việc đánh giá công tác chuyển đổi số những năm sau cần chi tiết hơn nữa để các bộ, ngành, địa phương có thêm chỉ tiêu phấn đấu và người dân, tổ chức có thêm cơ sở thể hiện nguyện vọng của mình, cùng tạo nên chuyển biến rõ rệt về CCHC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới