TAND TP Cần Thơ vừa xử phúc thẩm vụ bà T. đòi bà H. (cô ruột bà T.) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vì xịt thuốc cỏ làm chết ao của mình. Vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình khi người cô đòi đất để canh tác nhưng người cháu không trả. Người cô đã thuê người xịt thuốc ao sen hù dọa cháu nhưng hậu quả thì ngoài tưởng tượng của bà.
Cô phải bồi thường cho cháu
Bà T. trình bày, năm 2007 mẹ bà mất, để lại diện tích đất lúa khoảng 12.000 m2 (12 công) đất tại một xã ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Sau đó bà T. và bà H. lập tờ cầm cố đất với số vàng là 60 chỉ vàng 24K. Sau khi cầm cố đất, phía bà T. sử dụng ổn định, liên tục. Do làm lúa không có hiệu quả nên bà T. đã thay đổi sang trồng sen trên toàn bộ diện tích này.
Ngày 8-11-2018, trong lúc sen đang sinh trưởng, chuẩn bị cho thu hoạch thì gia đình bà H. đã xịt thuốc diệt cỏ làm cho sen bị chết ở khoảng ba công đất. Phần diện tích còn lại khoảng chín công đất thì phía bà H. không cho canh tác. Từ đó, bà T. yêu cầu bà H. bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ diện tích 12 công đất là 42 triệu đồng (bình quân 3,5 triệu đồng/công).
Trong khi đại diện của bà H. cho rằng gia đình bị đơn không cố đất cho bà T. và cũng không có hành vi ngăn cản không cho canh tác như bà T. trình bày. Vào ngày xảy ra sự việc, bà có thuê người vào và chỉ dọn khoảng một công đất và có báo chính quyền việc buộc bà t. dừng việc canh tác (UBND xã có mời hai bên lên hòa giải).
Theo bà H., trước đây bà có cho em rể mượn 12 công đất trên để canh tác, người này kẹt tiền nên cầm cố lại cho bà T. Năm 2017, bà H. muốn lấy lại đất để canh tác nhưng bà T. không trả nên xảy ra tranh chấp. Việc bà cho người xịt thuốc diệt cỏ là trên phần đất hoang không ai canh tác nên không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bà T.
Xử sơ thẩm vào tháng 8-2019, TAND huyện Cờ Đỏ cho rằng tuy bà H. chỉ hủy hoại trên diện tích khoảng ba công nhưng chín công còn lại bà H. cũng không cho bà T. vào canh tác là gây thiệt hại. Hậu quả là bà T. bị mất thu nhập trên toàn bộ diện tích 12 công đất. HĐXX tính giá trung bình một công sen từ khi trồng đến khi cho thu hoạch là 3,225 triệu đồng, từ đó buộc bà H. phải bồi thường 38,7 triệu đồng/12 công đất.
Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: NHẪN NAM
Cũng vì nghèo, thiếu hiểu biết
Không đồng ý với việc phải bồi thường, bà H. kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà H. trình bày nhiều nội dung nhưng do tuổi cao nên bà nói khá lộn xộn, không rõ ý. Đại ý bà H. cho rằng do muốn lấy lại đất canh tác nhưng người cháu là bà T. không trả nên cho xịt thuốc để bà T. không canh tác được nữa.
Bà H. nói: “Thấy nó ngang ngược tôi mới hù vậy cho UBND xã giải quyết. Tôi đòi đất nó không trả, mà tôi thì nghèo, không có tiền đi thưa kiện tại tòa. Mua chai thuốc có mười mấy ngàn hà…”.
Nghe vậy, tòa giải thích: “Hành vi hủy hoại ao sen của bà trong trường hợp này đã vi phạm pháp luật. Nếu công an thu thập đủ chứng cứ thì có dấu hiệu vi phạm luật hình sự. Việc bà H. muốn đòi đất mà cháu không trả thì phải kiện ra tòa. Nếu kiện đòi quyền sử dụng đất và với người già trên 60 tuổi như bà thì còn được miễn án phí…”.
Tuy nhiên, bà H. vẫn cho rằng không có gì chứng minh bà hủy hoại sen nên không chịu bồi thường. Bà còn nói mỗi công sen trồng mới chỉ có giá 200.000 đồng, chứ đâu có nhiều tiền như nguyên đơn yêu cầu. Từ đó, bà đề nghị tòa hủy bản án sơ thẩm, đổi lại bà sẽ không phá sen nữa...
Rồi bà H. lại nói: “Tôi kháng cáo mà nó vẫn trồng sen. Thẩm phán bắt tui bồi thường rồi thì nó có trả đất cho tôi không?”.
HĐXX vẫn kiên trì giải thích: “Việc bà phải bồi thường trong vụ án này là vấn đề khác, việc bà đòi lại đất là một việc khác, tòa không thể giải quyết trong vụ này…”.
Thế rồi HĐXX quay sang vận động đại diện của bà T. thương lượng với bà H. theo hướng hạ thấp số tiền đòi bồi thường xuống để thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên, nỗ lực của HĐXX không thành vì phía bà T. không chịu giảm thấp hơn số tiền mà án sơ thẩm đã quyết. phía bà H. thì than rằng hoàn cảnh khó khăn lại có bệnh nặng, hay đau yếu nên chỉ có thể bồi thường 10-15 triệu đồng.
Sửa án, giảm số tiền bồi thường Sau khi xem xét, HĐXX thấy rằng việc bà H. cho người phun thuốc diệt cỏ chỉ gây thiệt hại trên diện tích ba công sen của bà T. Đối với chín công đất còn lại do chưa ai trồng sen nên tòa xác định không có thiệt hại. Từ đó, tòa phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm, buộc bà H. phải bồi thường cho bà T. số tiền hơn 9 triệu đồng. |