Giải thích về lý do này, NSND - đạo diễn Nguyễn Như Vũ (Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương) cho biết: "Về mặt nguyên tắc, phim chiếu trong liên hoan phim phải được cấp phép phổ biến tại Việt Nam. Cho đến chiều hôm qua (5-6), chúng tôi mới nhận được công văn của Cục Điện ảnh về trường hợp phim Tạm biệt Hạ Long, trong đó có kết luận là "chưa thích hợp để chiếu trong dịp này".
Bởi vì chúng tôi đã chuẩn bị liên hoan phim nhiều tháng trước nên vẫn để nguyên thông tin của bộ phim trong quyển giới thiệu về liên hoan phim năm nay. Chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo thông tin từ Cục Điện ảnh".
Nói thêm về vấn đề này, ông Wilfried Eckstein, Viện trưởng Viện Goethe tại Việt Nam, cho biết đây là bộ phim Đức thứ ba bị từ chối cấp phép tại Việt Nam trong sáu tháng vừa qua. Và Viện Goethe cũng đang có kế hoạch sẽ đối thoại, trao đổi trực tiếp với Bộ VH-TT&DL về vấn đề cấp phép phim.
Bộ phim được giới thiệu trong tài liệu của liên hoan.
Trước câu hỏi về việc liệu bộ phim có được chiếu trong khuôn khổ hẹp hay không, ông Wilfried Eckstein cho hay: “Chúng tôi tôn trọng điều đó và không có ý định chiếu bộ phim này trong một khuôn khổ không công khai và rộng rãi”.
Đạo diễn của bộ phim, anh Ngô Ngọc Đức, cũng chia sẻ anh không muốn bộ phim của mình được chiếu một cách bí mật và vẫn mong chờ một cơ hội trong một dịp nào đó bộ phim được phép trình chiếu.
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 17-6 đồng thời tại Hà Nội và TP.HCM.
Đây là hoạt động do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Hiệp hội Các viện văn hóa và các đại sứ quán châu Âu (EUNIC) phối hợp tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế.
Năm nay, bên cạnh Việt Nam, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam quy tụ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm: Áo, Anh, Đức, Đan Mạch, Israel, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Cộng hòa Czech và vùng Wallonia-Brussels (Bỉ).
Đạo diễn của phim "Tạm biệt Hạ Long".
Trong suốt 10 ngày diễn ra liên hoan, các nước tham dự sẽ giới thiệu tới khán giả yêu điện ảnh tài liệu tại Hà Nội và TP.HCM 22 tác phẩm xuất sắc, trong đó có 11 phim tài liệu quốc tế, với chủ đề đa dạng: môi trường, xã hội, văn hóa, di sản, hòa nhập…
Các phim tài liệu Việt Nam được trình chiếu trong dịp này là: Giáo sư Tôn Thất Tùng, người thầy tôn kính; Lớp học hy vọng; Mưa axit; Khát vọng người; Lê Bá Đảng - từ Bích La đến Paris; Nhớ biển; Tâm tình của gốm; Vọng phu nơi đầu sóng; Cuộc di cư của bầy cừu… Đây là những phim đã giành giải cao do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Điện ảnh Quân đội, Đài Truyền hình Việt Nam, Khánh An Film… sản xuất.
Các phim được chiếu miễn phí tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (465 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) và ĐH Hoa Sen (số 8 Nguyễn Văn Tráng, quận 1, TP.HCM).