Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Tuân thủ nguyên tắc và linh hoạt ứng xử

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải tuân thủ trong nguyên tắc, đồng thời linh hoạt trong  ứng xử để phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-2, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đến dự Hội nghị triển khai thực hiện đề án Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Kiên Giang.

Tuân thủ nguyên tắc và linh hoạt ứng xử

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng trong triển khai đề án sẽ gặp bốn vấn đề khó. Thứ nhất, đây là “cuộc chơi lớn” từ trước đến nay đối với ngành hàng lúa gạo. Thứ hai là thay đổi thói quen của tất cả mọi người trong sản xuất lúa gạo.

Vấn đề thứ ba là tác động của của thị trường, giá lúa gạo thường xuyên thay đổi tăng giảm. Vấn đề cuối cùng là thống nhất một số việc liên quan đến lợi ích của một nhóm người, tổ chức nào đó trong đàm phán giá cả.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu phải tuân thủ trong nguyên tắc, nhưng phải linh hoạt trong cách ứng xử, để phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Ảnh: HOÀNG HỮU

Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ ngành liên quan và các địa phương lưu ý 10 chữ “Hết lòng - Tuân thủ - Linh hoạt - Hợp tác - Kiểm soát”.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan liên quan, địa phương và doanh nghiệp phải hết lòng với đề án, từ đó từng bước thúc đẩy người nông dân hết lòng với đề án. Đồng thời, trong triển khai phải tuân thủ theo kế hoạch, nguyên tắc.

“Tuân thủ và linh hoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng chúng ta phải tuân thủ trong nguyên tắc, lại phải linh hoạt trong cách ứng xử. Thị trường luôn biến động, do đó phải linh hoạt để phù hợp với từng vùng, từng địa phương” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phân tích.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cần phải hợp tác chặt giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt là sự hợp tác của các doanh nghiệp với nhau. Phải có sự kiểm soát tốt để không lệch chuẩn, lệch hướng và để kịp thời điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế đang biến động từng ngày.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: “Tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các đồng chí trong thực hiện đề án. Trước hết, tôi đề nghị Bộ NN&PTNT trình ngay các kiến nghị để trình Thủ tướng, Chính phủ xem xét bố trí vốn cho đề án. Cạnh đó, phải thay đổi, có những rào cản phải xóa đi để có thể lồng ghép các chương trình với nhau”.

Chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững

Đề án Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ được triển khai tại 12 tỉnh, TP ĐBSCL, gồm: An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Đề án nhằm thực hiện vùng chuyên canh lúa gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang.jpg
Đề án Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Ảnh: CHÂU ANH

Mục tiêu đến 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt khoảng 180.000 ha. Trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80-100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Mặt khác, tất cả diện tích phải áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: một phải năm giảm, tưới ngập khô xen kẽ... Tỉ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích, tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được tái sử dụng khoảng 70%.

Theo đề án, tất cả diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp sẽ có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu ha. Trong đó, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Tất cả diện tích phải áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỉ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%.

Theo ông Lê Minh Hoan, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL. Từ đó, hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm