"Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt".
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 và sáng 25-4.
Nếu dự báo sớm, thiệt hại mưa lũ trái mùa ở miền Trung sẽ giảm
Phó Thủ tướng đánh giá năm 2021, thiên tai thế giới diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Song những những thiệt hại do thiên tai gây ra ở trong nước đã giảm đáng kể.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Ảnh: PCTT |
Qua báo cáo thống kê, năm 2021, số người chết, mất tích do thiên tai là 108 người, giảm 70% so với năm 2020. Thiệt hại về tài sản 5200 tỉ đồng, giảm 87% so với năm 2020.
Trong khi đó, trung bình trong 20 năm qua, ở nước ta mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết, thiệt hại về kinh tế từ 45-50 ngàn tỉ đồng. Riêng năm 2017 thiệt hại gần 60.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó thủ tướng cho rằng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế.
Đó là công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chất lượng các bản tin dự báo cần tiếp tục được nâng cao hơn nữa.
"Đợt mưa lũ trái quy luật ngay trong thời gian mùa khô ở các tỉnh Nam Trung bộ vừa qua, nếu chúng ta có thể dự báo, cảnh báo sớm hơn, chính xác hơn, chắc chắn thiệt hại về tài sản của nhân dân đã được giảm nhẹ hơn" - Phó thủ tướng nói.
Thứ hai, phương tiện trang thiết bị, công cụ, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, vừa thiếu về số lượng, vừa chưa phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng lĩnh vực. Điều này dẫn tới những bị động trong ứng phó, cứu hộ cứu nạn trong nhiều tình huống.
Thứ ba, công tác hỗ trợ, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai còn bất cập, thủ tục rườm rà gây chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Nhiều đợt thiên tai, sau cả tháng Ban chỉ đạo mới tổng hợp đề xuất hỗ trợ. Một số địa phương sau khi nhận được hỗ trợ nhưng triển khai chậm dẫn tới phải kéo dài thời gian, không phù hợp với tính chất hỗ trợ khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai.
Phó thủ tướng cũng nêu ra những hạn chế trong công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông: Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn có những tồn tại, bất cập.
Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, cấp xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt.
Việc chấp hành quy định vận hành liên hồ chứa chưa nghiêm. Việc thông báo cho chính quyền địa phương, người dân khi xả lũ ở một số hồ chứa chưa kịp thời, đúng quy định hoặc hình thức thông báo chưa phù hợp, kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó.
"Vấn đề này hôm họp với các địa phương tôi cũng cân nhắc rất nhiều. Quy trình này cần xem xét lại, tránh tình trạng phân cho các địa phương, các địa phương lại phân cho một số ngành, rồi lại phân cho chủ hồ. Cái này rất là nguy hiểm, phải sửa trong thời gian tới đây" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho rằng việc thông báo, khuyến cáo cho nhân dân chưa tốt. Cũng có thực tế không chấp hành tốt các thông báo, quy trình xả lũ.
Phấn đấu năm 2022, thiệt hại do thiên tai giảm hơn
Phó thủ tướng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị ngập sâu do mưa lớn dị thường đầu tháng 4-2022. Ảnh: NGUYỄN DO |
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, sớm hoàn thành việc xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai.
Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước.
"Ngay sau hội nghị này, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, nhất là NN&PTNT, Công thương... và các địa phương để khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai năm 2022.
Mục đích để đánh giá mức độ an toàn, kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục những tồn tại, sự cố, hư hỏng của công trình đê điều, hồ đập, công trình giao thông,... bảo đảm vận hành an toàn trong mùa mưa lũ" - Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh về việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản một cách cụ thể, khoa học để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai.
Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước, nâng cao năng lực của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông...
"Chúng ta sẽ cùng cố gắng cao nhất với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, phấn đấu năm 2022 thiệt hại về người, về tài sản thấp hơn năm 2021" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.