Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giáo dục còn nhiều bất cập

(PLO)-  "Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong câu chuyện tuyển sinh đại học, dù hiện nay đã nhẹ đi rất nhiều so với trước. Lý do rất đơn giản do chúng ta chưa có sự trung thực!". 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 12-8.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, dù ngành GD&ĐT đã nỗ lực đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng còn tồn tại nhiều vấn đề phải giải quyết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng 12-8. Ảnh: PHI HÙNG

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sáng 12-8. Ảnh: PHI HÙNG

"Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT, thi cử, kiểm tra... bởi rất đơn giản vì chúng ta chưa có sự trung thực. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong câu chuyện tuyển sinh đại học, dù bây giờ đã nhẹ hơn rất nhiều so với trước. Tại sao ở các nước phát triển, các trường đại học đều cho sinh viên vào học tự do bởi họ trung thực, khách quan. Sinh viên có thể vào học thoải mái, học không được sẽ bị giáo sư đánh giá, từ đó bị lưu ban hoặc chuyển ra ngoài. Còn đất nước mình tại sao không được như vậy, bản chất vấn đề do chúng ta chưa trung thực", ông Đam nói.

Cũng theo ông Đam, trước thềm năm học mới, ngành GD&ĐT có rất nhiều việc phải làm. Ngành GD&ĐT phải đổi mới quản lý, đổi mới quản trị trong bậc đại học lẫn phổ thông, phải xây dựng được môi trường dân chủ, văn hoá trong trường học.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT phải rà soát lại, đề xuất các cơ chế về thực hiện tự chủ để có một tỷ lệ trường thích hợp ở những vị trí địa lý địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Từ đó, lấy biên chế bù cho các vùng nông thôn làm sao có đủ giáo viên để học sinh học ngày 2 buổi.

Bộ GD&ĐT cũng phải ứng dụng công nghệ để có một hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên và cơ sở vật chất, gắn với thông tin dân số của từng địa bàn để từng địa phương chủ động đảm bảo đủ trường lớp, đủ giáo viên.

Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: PHI HÙNG

Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ảnh: PHI HÙNG

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ Bộ GD&ĐT phải rà soát lại một cách nghiêm túc các danh hiệu liên quan đến chuẩn. Trường chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí thi đua khen thưởng sao cho thực chất, tuyệt đối tránh tình trạng một số nơi trường đạt chuẩn đất rộng, nhưng lớp học nhếch nhác, kết quả học tập không tốt trong khi có những trường làm rất tốt nhưng vì điều kiện thực tế nên không đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT và lãnh đạo các địa phương rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra cho điểm để đảm bảo không vì lý do nào học sinh phải “tự nguyện” xin để được học thêm, để được tổ chức lớp học, xin được đóng góp. Vấn đề này trong những năm qua đã được chấn chỉnh tốt, tuy nhiên vẫn còn hiện tượng cá biệt gây ảnh hưởng đến ngành.

Về phương án dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa để học sinh mượn sử dụng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phải liên hệ với các Bộ ngành có liên quan để có thể triển khai ngay trong năm học 2022-2023.

"Bộ GD&ĐT không tự chủ được vấn đề biên chế, trường lớp nhưng chuyên môn về giáo dục, chương trình sách giáo khoa đương nhiên Bộ GD&ĐT phải nắm. Mô hình quản trị các trường đại học, trường phổ thông đương nhiên Bộ GD&ĐT phải đề xuất và phải thuyết phục xã hội, hệ thống chính trị cùng làm", ông Đam nhắn nhủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm