Mới đây, TAND TP.HCM đã hoãn phiên xử phúc thẩm vụ tranh chấp đòi tiền lương giữa ông T. (ngụ quận 9, TP.HCM) với Công ty S. Lý do tòa hoãn xử là thủ tục ủy quyền của phía bị đơn chưa hợp lệ, cần phải bổ sung cho đúng. Đây là vụ kiện có tình tiết khá hấp dẫn vì sau khi đã thi hành án xong, phía bị đơn lại kháng cáo và phản tố với nhiều nội dung.
Được trả hơn 840 triệu đồng
Trong đơn khởi kiện, ông T. trình bày Công ty S. là công ty liên doanh có hai thành viên, trong đó Công ty B. có 50% vốn góp.
Ông T. vốn là phó trưởng phòng kế hoạch tại Công ty B. Ngày 26-10-2012, Công ty B. đã điều động ông T. sang làm việc tại Công ty S. và đề cử giữ chức tổng giám đốc, phó tổng giám đốc luân phiên theo nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ từ tháng 3-2014 đến tháng 3-2017, ông T. được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc, mức lương 2.850 USD/tháng. Ngoài ra còn có các khoản tiền thưởng và phụ cấp khác.
Theo ông T., do có mâu thuẫn bất đồng giữa hai bên liên doanh nên tổng giám đốc Công ty S. đã tự ý ban hành nhiều văn bản, chỉ thị trái quy định. Từ đó Công ty S. đã không trả lương cho ông T. từ tháng 9-2014 và quyết định thu hồi tiền lương của ông đã nhận trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8-2014.
Không đồng ý với các quyết định trên, ông T. gửi đơn đến Phòng LĐ-TB&XH TP.HCM yêu cầu hòa giải nhưng không thành.
Sau đó ông T. khởi kiện yêu cầu tòa án hủy các quyết định, chỉ thị của tổng giám đốc đã ban hành ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ông T. yêu cầu Công ty S. phải trả lương và các chế độ phụ cấp, tiền thưởng cho mình, tổng cộng số tiền hơn 840 triệu đồng.
Tháng 5-2015, xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND quận Tân Bình, TP.HCM tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông T. Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty S. đã thi hành án toàn bộ số tiền trên và đóng luôn tiền án phí.
Về phần mình, thời điểm này ông T. vẫn tiếp tục làm việc tại Công ty S. Đến tháng 7-2015, công ty mới ra quyết định sa thải ông T. Hiện ông T. cũng đã khởi kiện quyết định sa thải này trong một vụ án khác.
Thi hành xong thì kháng cáo, phản tố
Dù đã trả tiền cho ông T. nhưng khi chưa hết thời gian 15 ngày kháng cáo theo quy định, phía Công ty S. bất ngờ nộp đơn kháng cáo. Lý do là trong số tiền mà tòa buộc công ty phải thanh toán, ông T. chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và trích nộp BHXH bắt buộc.
Tháng 9-2015, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần thứ nhất, nhận định việc tòa sơ thẩm không khấu trừ các khoản tiền thuế thu nhập cá nhân, BHXH bắt buộc là sai phạm nghiêm trọng nên đã hủy toàn bộ bản án, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Sau đó hồ sơ được chuyển về TAND quận Tân Bình. Lúc này phía bị đơn là Công ty S. bất ngờ có đơn phản tố với nhiều nội dung.
Theo đó, công ty chỉ đồng ý trả lương cho ông T. từ tháng 9-2014 đến tháng 5-2015. Không tính tiền thưởng cho ông T. trong giai đoạn này do chưa có nhận xét của hội đồng thành viên về mức độ hoàn thành công việc của ông T. Công ty yêu cầu tòa tuyên ông T. phải hoàn lại số tiền lương từ tháng 3 đến tháng 8-2014 do ông không đến công ty làm việc. Ngoài ra, công ty còn yêu cầu ông T. phải trả tiền án phí và chi phí thuê luật sư. Tổng cộng các khoản công ty yêu cầu ông T. phải trả là hơn 630 triệu đồng.
Xử sơ thẩm lần hai, TAND quận Tân Bình nhận định bị đơn thành lập tổ kiểm tra chấm ngày, giờ ông T. vắng mặt tại công ty. Sau đó tổng hợp số ngày vắng và yêu cầu nộp lại tiền lương để thu hồi là trái với khoản 2 Điều 128 BLLĐ (dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động).
Theo quy định trong hợp đồng liên doanh và điều lệ của công ty thì: “Tiền thù lao, phúc lợi và các khoản phụ cấp của phó tổng giám đốc T. cùng các điều khoản, điều kiện lao động khác sẽ do hội đồng thành viên quy định phù hợp với pháp luật Việt Nam”.
Ngoài ra, ông T. còn kiêm nhiệm chức vụ bí thư chi bộ Đảng, có những công việc cần ra ngoài mà không cần báo cáo tổng giám đốc vì có liên quan đến các vấn đề chính trị, an ninh kinh tế, quản lý người nước ngoài tại Việt Nam, công tác Đảng. Nếu cho rằng ông T. có vi phạm thì tổng giám đốc có thể kiến nghị hội đồng thành viên để quyết định. Tổng giám đốc không có quyền yêu cầu không trả lương hoặc đòi lại tiền lương của ông T.
Tại phiên tòa, đại diện công ty xác định trong nhiều năm hoạt động thì hội đồng thành viên chưa có văn bản nào đánh giá việc hoàn thành tốt công việc của tổng giám đốc, phó tổng giám đốc. Nhưng hằng năm các chức vụ này vẫn nhận đầy đủ các khoản tiền thưởng. Như vậy, hội đồng thành viên mặc dù biết công ty vẫn chi trả tiền thưởng mà không có ý kiến gì thì xem như đã mặc nhiên thừa nhận việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của các chức vụ này.
Từ đó, HĐXX tuyên buộc ông T. chỉ phải trả cho công ty 21 triệu đồng tiền BHXH bắt buộc mà công ty đã đóng thay cho ông T.
Sau phiên xử này, phía bị đơn tiếp tục kháng cáo nên TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, đến ngày xét xử thì thủ tục ủy quyền của phía công ty chưa hợp lệ nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa như trên.
Ai thuê luật sư thì tự chịu phí Về yêu cầu của công ty đòi ông T. trả tiền thuê luật sư, HĐXX TAND quận Tân Bình cho rằng không có căn cứ để xem xét. Bởi việc thuê luật sư là phía bị đơn tự quyết định, không phải nghĩa vụ của nguyên đơn. Về tiền án phí, tòa phân tích theo quy định của pháp luật, bên bị tòa án bác yêu cầu phải chịu tiền án phí tính trên yêu cầu không được tòa án chấp nhận. Vì thế việc bị đơn đòi nguyên đơn trả lại số tiền này là không có căn cứ. |