Từ sáng sớm 30-4, du khách nườm nượp đổ về chùa Bà Chúa Xứ núi Sam ở thị xã Châu Đốc, An Giang. Giá phòng trọ trong khu vực lập tức tăng vọt. Tại nhà trọ số 4 khóm Vĩnh Tây 1, phường Núi Sam, nhân viên tiếp tân cho biết giá thuê phòng quạt cho hai người là 300.000 đồng/đêm, còn máy lạnh thì 350.000 đồng. Phòng máy lạnh cho ba người có giá 600.000 đồng. Giá này cao hơn ngày thường từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/phòng/đêm.
“Mấy ngày trước, có hai người thân ở TP.HCM xuống nhờ kiếm giùm phòng trọ ở đường hậu chùa Bà. Tôi hỏi giá thì họ “hét” tới 1,6 triệu đồng/đêm cho hai người ở. Hết biết!” - chị Thủy, một người dân địa phương, kể.
Tuy nhiên, một số chủ nhà trọ cho biết chỉ có khu vực nằm phía đường chính vào chùa Tây An và đường hậu chùa Bà mới có cơ hội “làm giá” như vậy. Còn khu vực vào cổng chính chùa Bà do bị cấm ô tô, khách phải đi bộ xa nên khó tăng giá. Ở đây, phòng máy lạnh cho hai người chỉ 200.000 đồng/đêm, còn ba người thì 300.000 đồng/đêm.
Số người bán nhang, muối gạo theo kiểu trấn lột ở cổng chùa Bà Chúa Xứ núi Sam đã giảm. Ảnh: V.SƠN
Theo ghi nhận, trong ngày 30-4 tình trạng bát nháo trước cổng chùa đỡ hơn so với dịp tết Nguyên đán vừa qua. Đó là do số người bán chim phóng sinh, nhang đèn, muối gạo giảm khá nhiều. “Việc mua bán kiểu trấn lột khách đến chùa Bà gần như là sở trường của dân bán chim, nhang đèn, muối gạo (lừa đảo, ép buộc du khách phải mua với giá rất cao, ai không chịu trả tiền sẽ bị hành hung, đe dọa - PV). Chỉ khi có mặt công an, họ mới không dám ra tay. Thời gian qua, nhờ một số đối tượng bị bắt nên tình hình không còn bát nháo như trước. Nhưng để đề phòng, bà con đến đây tốt nhất đừng mua gì hết, chỉ ăn uống chút đỉnh và tìm nhà trọ đàng hoàng mà ở” - bà H., nhà gần chùa Bà kể.
Ông Thái Công Nô, Phó ban Quản trị lăng miếu núi Sam, cho biết ngày 30-4 nơi đây thu hút khoảng 15.000 lượt khách. Tình hình trật tự tuy vẫn phức tạp nhưng nạn trấn lột khách bằng việc bán chim phóng sinh, nhang đèn, muối gạo đã giảm. Đó là nhờ chính quyền tổ chức được lực lượng liên ngành thường xuyên truy quét.
Một số du khách cho biết do nghe thông tin dân bán muối gạo, nhang đèn ở chùa Bà hay trấn lột nên họ chỉ đến cúng rồi đi nơi khác vui chơi, ăn uống. “Sau khi cúng xong tôi chở vợ con vào Khu du lịch Vạn Hương Mai (xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) vui chơi, ăn uống. Vé vào cổng trọn gói để chơi hơn 20 trò chơi chỉ có 150.000 đồng/người. Ăn uống ở đây giá cả cũng phải chăng” - anh Nguyễn Nhựt Trường, huyện Thoại Sơn, An Giang, kể.
Trong ngày 30-4, nhiều điểm du lịch khác ở An Giang như Lâm Viên - Núi Cấm, Khu Thương mại công nghiệp Tịnh Biên, chùa Bà Chúa Xứ Bào Mướp (huyện Tịnh Biên) cũng có rất đông du khách đến tham quan.
“Đi du lịch mà như bị hành xác” Tại Hạ Long, lượng du khách trong dịp 30-4 năm nay không tăng so với các năm trước. Tuy nhiên, phần lớn nhà nghỉ, khách sạn vẫn tăng giá phòng lên gấp đôi, thậm chí còn lừa khách bằng cách lấy phòng của nhân viên cho thuê. “Tôi đặt phòng tại một khách sạn hai sao ở trung tâm Bãi Cháy với giá 650.000 đồng/đêm. Thấy phòng quá hẹp, nội thất cũ kỹ, nhà vệ sinh bẩn thỉu, tôi không nhận và đòi lấy lại tiền đặt cọc thì họ bắt phải trả 30% phí giữ phòng. Ra ngoài, một nhân viên cho hay đó là phòng dành cho nhân viên, ngày lễ được tận dụng cho du khách thuê” - anh Lê Huân đến từ Hà Nội phản ánh. Ngày 29-4, tại đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) diễn ra lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nên lượng khách kéo đến tăng nhiều lần so với ngày thường. Do khan hiếm phòng nghỉ nên giá phòng cũng bị đẩy lên gấp rưỡi ngày thường. Nhiều du khách phải ở trong nhà dân, số khác ra đảo rồi vào đất liền luôn trong ngày. Do thiếu tàu nên cảnh chen lấn lộn xộn diễn ra thường xuyên tại bến. “Tàu vừa cập bến là mọi người ào ào chen xuống tàu. Nhiều người đã mua vé nhưng lại bị đuổi xuống vì quá tải. Do chen không nổi, chúng tôi bị nhỡ ba chuyến tàu, sau đó phải vạ vật ngồi trên boong tàu để về đất liền. Đi du lịch mà như bị hành xác” - chị Thu Hà đến từ Quảng Nam nói. BX |
VĨNH SƠN