Phụ nữ lái xe: Có nên cấm mang giày cao gót?

Vụ tai nạn giao thông khiến một người tử vong và sáu người bị thương tại khu vực ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) vào đêm 21-10 vừa qua khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Đến thời điểm hiện tại, công an đã khởi tố, bắt giam nữ tài xế để điều tra vụ việc.

Theo lời khai ban đầu, người này có sử dụng rượu bia trước khi lái xe; cùng với đó, khi dời chân từ ga sang thắng thì vướng phải quai hậu giày cao gót dẫn tới nhấn nhầm vào chân ga.

Mang giày cao gót sẽ khó khăn hơn khi lái xe

Nhiều ý kiến cho rằng nên có khuyến cáo, thậm chí là quy định cấm mang giày cao gót khi lái xe, để tránh xảy ra các vụ va chạm do không xử lý tốt.

Mang giày cao gót người điều khiển ô tô sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển từ chân ga sang chân thắng.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Tạch, cựu kỹ sư ô tô của Toyota Việt Nam, nhận định khi mang giày cao gót người điều khiển ô tô sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển từ chân ga sang chân thắng. Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy giày cao gót trực tiếp gây nguy hiểm khi lái xe nhưng ô tô thường di chuyển với tốc độ nhanh, cần thao tác chính xác và dứt khoát, nếu đi giày dép không vừa kích cỡ chân có thể khó khăn trong việc xử lý các tình huống nguy cấp.

Đối với việc cấm đi giày cao gót, ông Tạch cho rằng không nên đặt ra vấn đề này, bởi đây là vật dụng bình thường của con người. Với những người đi thuần thục, họ có thể thao tác điều khiển ô tô dễ dàng, ngược lại với những người không quen có thể sẽ vụng về.

“Tuy vậy, phụ nữ khi lái xe nên đi đôi giày quen thuộc, dễ thao tác. Nếu đi giày cao gót thì có thể chuẩn bị trong xe một đôi giày phù hợp, có đế thấp và rộng để điều khiển xe dễ dàng hơn" - ông Tạch đưa ra lời khuyến cáo.

Đồng quan điểm, ông Trần Vượng, một người dạy lái xe có nhiều năm kinh nghiệm tại Hà Nội, cho biết giày cao gót thường có tiết diện nhỏ, độ trụ chân không tốt, nâng cao chân hơn bình thường nên việc cảm nhận lực tác động tới chân thắng, ga sẽ không thật. Điều này có thể dẫn tới việc xử lý tình huống không chính xác, thậm chí là nhầm lẫn giữa ga và thắng.

Chưa kể, một số đôi giày cao gót có thể mắc kẹt vào thảm trải sàn hoặc vướng vào dây giày, khiến người lái không kịp xoay xở trong tình huống khẩn cấp. Do đó, mỗi khi dạy học viên nữ, ông thường yêu cầu họ không được mang giày cao gót hoặc nếu mang thì phải chuẩn bị một đôi giày đế bằng để dễ thao tác khi lái.

Chọn an toàn thay vì thời trang

Đại tá Trần Sơn, cựu Phó phòng Hướng dẫn luật, điều tra, xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), cho rằng trước khi nói đến vấn đề mang giày cao gót thì vẫn phải nói lại việc sử dụng rượu bia, bởi đây là nguyên nhân đầu tiên và trực tiếp dẫn tới va chạm.

“Trong vụ tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh, nữ tài xế sử dụng rượu bia khiến không tự chủ được bản thân, các động tác không theo ý muốn, cộng với việc mang giày cao gót thì thao tác lại càng không chuẩn” - Đại tá Sơn nói.

Ông Sơn nhận định các quy định về an toàn giao thông hiện nay không có điều luật nào bắt buộc người lái xe phải mang giày dép, quần áo ra sao. Thế nhưng các cơ quan vẫn luôn khuyến cáo (không chỉ riêng ô tô mà với cả xe đạp, xe máy,…) khi đã điều khiển xe thì trang phục của tài xế luôn phải gọn gàng.

 “Trên thực tế, việc đi bộ bằng giày cao gót cũng đã khó hơn so với các loại giày dép bình thường, điều này sẽ càng khó khăn hơn khi điều khiển chân ga, chân thắng trên ô tô. Giữa mũi và gót giày bao giờ cũng có khoảng cách xa, do đó cảm giác chân sẽ không chuẩn. Hơn thế, dù rất cẩn thận khi lái xe nhưng trong các tình huống bất ngờ nhiều khi phụ nữ lại không thể xử lý tốt, thậm chí hoảng loạn, nhầm chân thắng sang chân ga” - Đại tá Sơn nói.

Vị này cũng cho rằng thực tế có rất nhiều người sau khi thi đậu bằng lái thì ngay lập tức sử dụng ô tô để tham gia lưu thông trên đường (cần tập lái trong các bãi tập nhiều hơn - PV), dẫn tới kỹ năng điều khiển phương tiện còn thiếu và yếu.

Về ý kiến nên cấm mang giày cao gót khi lái xe, theo Đại tá Sơn, chỉ nên dừng ở mức khuyến cáo chứ không nên cấm. Người lái xe nói chung và phụ nữ nói riêng không nên đi giày cao gót khi điều khiển xe.

Phụ nữ không nên đi giày cao gót khi điều khiển xe.

“Họ nên chuẩn bị sẵn một đôi giày đế bằng vừa với chân, có cảm giác thật khi đạp chân thắng hoặc chân ga. Khi muốn đẹp thì có thể dừng xe vào vị trí an toàn rồi thay giày cao gót. Tôi nghĩ rằng việc này không hề có gì là bất tiện, bởi thao tác thay đôi giày chỉ mất 1-2 phút nhưng đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nếu là xe của mình thì việc để một đôi giày trên xe cũng không có gì khó khăn. Hãy lựa chọn an toàn thay vì thời trang” - Đại tá Sơn khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới