Tối 4-11, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh này đã sơ tán 4.410 hộ đến các khu vực cao để tránh lũ. Người dân phải đi sơ tán chủ yếu ở các vùng ven sông Ba, trũng thấp bị uy hiếp khi các nhà máy thủy điện xả lũ thuộc các huyện Đông Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh, TP Tuy Hòa.
Ngoài ra, người dân sống ven sông, suối, vùng có nguy cơ sạt lở thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An cũng sơ tán đến nơi an toàn.
Ngay sau bão, lũ gây ngập nặng tại huyện Đông Hòa (Phú Yên). Ảnh: HỒ XUÂN TỊNH
Thông tin với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế cho biết thêm theo lịch, đêm 4-11 thủy triều sẽ dâng cao tại các vùng ven biển Phú Yên. Nếu các nhà máy thủy điện tăng lưu lượng sẽ xả lũ gây lũ lớn, ngập sâu trên diện rộng ở vùng hạ du Phú Yên.
“Nếu lũ lên nhanh, dâng cao vào ban đêm sẽ rất nguy hiểm đối với vùng hạ du. Do đó, tôi vừa yêu cầu các nhà máy thủy điện điều tiết lũ theo lịch thủy triều. Hiện tại, tổng lưu lượng xả lũ từ hai nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh đổ xuống hạ du Phú Yên là 3.100 m3/giây, trong đó riêng thủy điện Sông Ba Hạ xả 2.600 m3/giây” - ông Thế nói.
Trong khi đó, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cho hay hiện lưu lượng nước từ Tây Nguyên đổ xuống hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ vẫn ở mức 5.600 m3/giây. Do đó, sau khi giảm lưu lượng để điều tiết lũ, nhà máy thủy điện này sẽ tăng lưu lượng xả trong 24 tiếng đồng hồ tới.
Thông tin từ lãnh đạo các huyện ven sông Ba như Phú Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa đều cho biết lũ trên sông Ba đang tiếp tục dâng cao.
Cuối giờ chiều 4-11, ông Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên, cho biết bốn ngư dân mất tích khi trông giữ tàu cá trên vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên) đã về nhà an toàn.
Trước đó, chiều 3-11, lực lượng Bộ đội biên phòng Phú Yên đã tiến hành cưỡng chế sơ tán tránh bão đối với tất cả những người nuôi thủy sản, trên tàu thuyền ở vịnh Vũng Rô đến nơi an toàn. Tuy nhiên, sau đó có bốn người cùng ngụ phường 6, TP Tuy Hòa đã trở lại hai tàu cá đang neo đậu ở vịnh Vũng Rô để trông giữ. Khi bão đổ bộ, sóng lớn đã làm chìm hai cá trên. Sau đó, lực lượng biên phòng không liên lạc được với cả bốn ngư dân.
Cũng theo ông Minh, tỉnh Phú Yên còn một người mất tích là anh Trần Văn Phước (32 tuổi, ngụ thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An). Anh Phước điều khiển tàu cá đi tránh bão thì sóng đánh chìm tàu.
Một ngôi nhà bị sập hoàn toàn ở thị xã Sông Cầu. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHOA
Thống kê đến chiều 4-11, bão số 12 ở Phú Yên đã làm một người mất tích, bốn người bị thương. Bão đã làm sập hoàn toàn 19 ngôi nhà, làm hư hỏng 8.000 ngôi nhà khác. Trong đó nhiều nhất là huyện Đông Hòa với hơn 7.000 ngôi nhà.
Bão làm hư hỏng nặng trường mầm non ở thị xã Sông Cầu. Ảnh: NGUYỄN HỮU KHOA
Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị xã Sông Cầu, cho hay có ba mẹ con ở thôn Hòa Hội, xã Xuân Cảnh bị thương do nhà sập khi bão đổ vào. Ngoài ra, còn có một em bé ở xã Xuân Hải bị thương do nhà sập.
“Khu vực này có nhiều dừa, khi bão đổ vào đánh gãy dừa, đổ xuống làm nhiều ngôi nhà bị sập. Bão làm nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh rất bi đát” - ông Khoa chia sẻ.