Co giật, tổn thương não vì uống cà phê giảm cân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-4, thông tin từ TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trung tâm vừa điều trị cho một bệnh nhân nữ (37 tuổi, Hà Nội) bị hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.

Theo gia đình bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3 chị tăng cân khá nhiều. Một người bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg nên chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói.

Loại cà phê hỗ trợ giảm cân mà bệnh nhân đã sử dụng. Ảnh: MAI THANH

Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh.

Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện huyện sau đó chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, sau đó hôn mê và co giật. Kết quả chụp cắt lớp còn cho thấy não bị tổn thương.

Sau khi được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện.

Qua 10 ngày điều trị, đến nay sức khỏe của bệnh nhân đã hồi phục. Tuy nhiên, di chứng có để lại hay không khi não bị tổn thương thì cần thêm thời gian kiểm tra mới có thể xác định.

Theo BS Nguyên, giảm cân làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhất là phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như "thần dược", mua các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường. Biện pháp giảm cân an toàn và hiệu quả là chế độ dinh dưỡng khoa học, luyện tập hợp lý.

Kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng. 

Sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim cho nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.

TS.BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm