Video: Tàu Cảnh sát biển 7011 đã đưa 4 ngư dân Bình Thuận vào đất liền an toàn |
Khoảng 13 giờ 30 ngày 21-7, tàu Cảnh sát biển (CSB) 7011, thuộc Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa bốn ngư dân tàu cá BTh 97478 bị nạn vào đất liền cấp cứu.
Trước đó nhận được mệnh lệnh từ sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, Tàu Cảnh sát biển 7011 đã đến vị trí tàu BĐ 96935 TS để đưa bốn ngư dân về bờ.
Các ngư dân được đưa vào bờ an toàn. Ảnh: HH. |
Sáng 20-7, Tàu Cảnh sát biển 7011 đã tiếp cận tàu cá BĐ 96935 TS tại khu vực biển cách Đông – Đông Bắc đảo Phú Quý 155 hải lý.
Cán bộ chiến sỹ trên tàu đã sử dụng mọi phương án để tiếp cận tàu cá BĐ 96935 TS nhưng do sức khỏe của các thuyền viên bị nạn yếu. Bên cạnh đó, thời tiết phức tạp, sóng gió cấp 6 - 7, biển động.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã chỉ đạo tàu 7011 cử tổ quân y sang tàu cá BĐ 96935 TS để cấp cứu, chăm sóc y tế, sức khỏe cho các ngư dân. Đồng thời cùng với tàu BĐ 96935 TS đưa các thuyền viên bị nạn về đất liền để cấp cứu.
Đến 9 giờ ngày 21-7, tàu Cảnh sát biển 7011 tiếp nhận bốn thuyền viên bị nạn từ tàu cá BĐ 96935 TS ở khu vực Đông Hòn Chà Là khoảng 12 hải lý và đưa về Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tại thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Tại đây, ngư dân Trần Thuận Thanh (55 tuổi) bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã Ninh Hòa.
Ngư dân Trần Thuận Thanh bị thương được đưa đi cấp cứu. Ảnh: HH. |
Các ngư dân Trần Theo (56 tuổi), Hà Văn Tấn (46 tuổi), Nguyễn Thành Luyến (37 tuổi) sức khỏe tạm ổn định, được đưa đi kiểm tra sức khỏe.
Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong ngày 20-7 máy bay DHC.6 số hiệu 773 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, Quân chủng Hải quân đã cất cánh từ Cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tám thuyền viên đang mất tích trên biển.
Trong ngày, thủy phi cơ VNT 773 đã bay tìm kiếm trên khu vực có tọa độ (A: 09040’N-113006’E; B: 10015’N- 114015’E; C: 10014’N- 112056’E; D: 10040’N- 113052’E, diện tích 1.929 hải lý vuông).
Ngoài ra đã chỉ thị mục tiêu cho bốn tàu mặt nước (gồm các tàu KN 471, KN 733, KN 466, KN408) tìm kiếm tại khu vực đảo Sinh Tồn, Quần đảo Trường Sa khoảng 80 hải lý về phía tây bắc nhưng chưa có kết quả.
Dự kiến trong ngày 21- 7, thủy phi cơ VNT 773 tiếp tục bay tìm kiếm tám ngư dân bị mất tích trên diện rộng hơn.
Đặc biệt, trước đó, tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trên tàu BTh 97478 TS còn có sáu tàu vận tải loại lớn của nước ngoài.
Cụ thể đó là các tàu HayLingisland (quốc tịch Cộng hòa quần đảo Marshall), Seamax Westport (quốc tịch Cộng hòa quần đảo Marshall), Sinar Banda (quốc tịch Indonesia), Wan Hai 328 (quốc tịch Singapore), Landbridge Horizon (quốc tịch Hong Kong) và Cape Fullmar (quốc tịch Cộng hòa quần đảo Marshall).
Trong đó, tàu lớn nhất là tàu container Seamax Westport có tổng trọng tải hơn 90.000 tấn với chiều dài 335 m, rộng 42,83 m.
Như PLO đã đưa tin, lúc 7 giờ 45 ngày 12-7, BĐBP tỉnh Bình Thuận nhận được thông tin về việc tàu cá BTh 97478 TS, do ông Bùi Văn Toàn, 50 tuổi, làm thuyền trưởng bị mất liên lạc.
Tàu xuất bến tại cảng Phan Thiết ngày 21-6, hành nghề tại khu vực biển Trường Sa - DK1. Đến 5 giờ 7 ngày 10-7, trên đường về lại cảng Phan Thiết thì bị mất liên lạc (không có tín hiệu máy giám sát hành trình) tại tọa độ 090 06’ N - 1090 13’ E.
Tọa độ mất liên lạc được định vị cách đảo Phú Quý khoảng 84 hải lý về hướng Tây Bắc và cách cảng Phan Thiết khoảng 126 hải lý về hướng Bắc Tây Bắc. Ngay khi nhận thông tin, đã có hàng chục lượt tàu của Cảnh sát biển, Trung tâm cứu nạn hàng hải, BĐBP; tàu cá của ngư dân và tàu vận tải của nhiều nước tham gia tìm kiếm nhưng bất thành.
Đến 13 giờ 10 ngày 19-7, tàu cá BĐ 96935 TS của Bình Định báo trên tần số 7903KHz đã vớt được bốn người còn sống ở trên thúng chai, tại tọa độ:10o31N – 113o04E.
Sau khi lên tàu, các thuyền viên kể lại lúc đầu trên thúng có bảy người nhưng ba người đã chết trong quá trình thúng trôi dạt trên biển do đói, khát và thương tích trước đó nên đành phải bỏ lại xuống biển, không rõ vị trí.
Theo nguồn tin của PLO, sau khi tàu BTh 97478 TS bị sóng đánh chìm, thuyền trưởng và các thuyền viên rất bình tĩnh chia nhau lên hai thúng chai. Một thúng chở tám người, một thúng chở bảy người chèo sát nhau.
Đêm thứ tư lênh đênh trên biển, họ phát hiện có ánh đèn pha của tàu vận tải nước ngoài loại lớn nên cùng chèo đến kêu cứu nhưng bất thành rồi lạc nhau từ thời điểm này. Công tác tìm kiếm cứu nạn đang được khẩn trương triển khai trên diện rộng.
Các nạn nhân còn mất tích gồm:
1. Bùi Văn Toàn: Thuyền trưởng (SN 1972, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, người được cứu sống trong vụ chìm tàu tháng 7-2014 tại vùng biển Kê Gà).
2. Nguyễn Văn Mỹ (SN 1964, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
3. Nguyễn Thành Lương (SN 1976, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, người được cứu sống trong vụ chìm tàu tháng 7-2014).
4. Nguyễn Thành Lăng (SN 1976, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, người được cứu sống trong vụ chìm tàu tháng 7-2014).
5. Nguyễn Thành La (SN 1982, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
6. Nguyễn Văn Hạ (SN 1968, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
7. Lê Văn Mót (SN 1986, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
8. Lê Văn Thanh (SN 1984, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
9. Bùi Văn Vinh (SN 1980, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
10. Phan Văn Tám (SN 1970, phường Phú Tài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
11. Lê Văn Dũng (SN 1986, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).