Quan sát nghị trường

Ngẫm về việc tranh luận nồng độ cồn ở Quốc hội

(PLO)- Việc đưa ra giải pháp cụ thể cho vấn đề nồng độ cồn vẫn cần trông vào Quốc hội bởi sẽ không có một chính sách nào, một đạo luật nào hài hòa cho tất cả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nồng độ cồn là vấn đề luôn có nhiều bàn luận ở Quốc hội (QH), nhất là khi QH khóa XIV bàn, rồi thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia từ cuối năm 2018 đến giữa năm 2019.

Cũng dễ hiểu là vì “đã uống rượu, bia thì không lái xe” liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sinh hoạt của công dân và thực thi điều cấm này.

Cần nhắc lại, khi dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia manh nha, rồi chính thức được đưa ra tại QH khóa XIV để thảo luận, ý kiến ủng hộ - phản đối ngang ngửa. Thậm chí ngày 3-6-2019, theo lịch trình, dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được thông qua nhưng quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe” đều không vượt quá bán ý kiến tán thành.

Phó Chủ tịch thường trực QH Tòng Thị Phóng lúc đó nói: “Quyết định một vấn đề liên quan đến hành vi của con người rất là khó khăn” nhưng bà cũng khẳng định: “QH đã rất dân chủ… không một nhóm nào, thế lực nào tác động được vào luật”.

Dự luật này được lùi đến ngày 14-6-2019 mới được thông qua, sau khi Ủy ban Thường vụ QH “tha thiết” đề nghị QH đưa quy định “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Lần này, dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ “nhắc lại” điều cấm ở Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 lại thu hút nhiều ý kiến của đại biểu. Giải trình của Chính phủ đương nhiên không phủ định Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đồng thời dẫn những số liệu về tai nạn giao thông đường bộ để tăng tính thuyết phục.

Đại biểu QH khóa XV lần này có ý kiến ủng hộ - ý kiến phản đối “cấm lái xe khi đã uống rượu, bia” cũng chưa thấy xu hướng nào vượt trội. Bên ủng hộ thì căn cứ vào tính thống nhất của pháp luật, thực tiễn tai nạn giao thông; bên phản đối thì cũng căn cứ từ thực tiễn thi hành luật và đặc điểm riêng của mỗi cá nhân phản ứng với rượu, bia.

Các ý kiến tranh luận thẳng thắn trên nghị trường và cử tri cần một không khí sôi nổi như vậy ở QH để có cái nhìn toàn cục.

Liệu có giải pháp nào cho vấn đề nồng độ cồn không? Vẫn cần phải trông vào QH. Bởi sẽ không có một chính sách nào, một đạo luật nào hài hòa cho tất cả. Chỉ có một điều là chắc chắn: Thảo luận, tranh luận về nồng độ cồn ở QH minh chứng một sinh hoạt chính trị dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt.

Điều ấy rất cần được QH duy trì và phát huy khi thảo luận bất kể một dự luật, một chính sách nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm