Đề nghị của luật sư bị cáo Trịnh Văn Quyết về các bị hại

(PLO)- Bào chữa cho bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư đề nghị HĐXX xem xét vấn đề xác định bị hại và áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho bị cáo...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 26-7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết lừa đảo và thao túng chứng khoán.

Sau khi VKS đề nghị mức án với các bị cáo, HĐXX nghe các bị cáo và luật sư trình bày quan điểm bào chữa.

Trịnh Văn Quyết (6).jpg
Các luật sư tại phiên tòa. Ảnh: CTV

Cựu kiểm toán viên đề nghị giám định chữ ký

Khi được HĐXX cho phép thực hiện quyền tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Quỳnh Anh cựu TGĐ Công ty Cổ phần chứng khoán BOS bật khóc, mong HĐXX xem xét bị cáo chỉ là người làm thuê, không nhận thức được sai phạm.

Với hành vi ký ủy nhiệm chi thanh toán bù trừ, bị cáo Quỳnh Anh cho rằng, hành vi này liên quan đến 2 nhân viên kế toán. Việc ký là nghiệp vụ bắt buộc. Bị cáo thừa nhận hành vi và rất ăn năn, hối hận.

Bị cáo Nguyễn Quỳnh Anh bị VKS đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Tự bào chữa, bị cáo Lê Văn Tuấn, cựu kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội cho rằng, trách nhiệm của kiểm toán viên là dựa trên bằng chứng thu thập được. Đây là bị cáo duy nhất không thừa nhận hành vi phạm tội trong vụ án này. Bị cáo Tuấn bị VKS đề nghị mức án 7 – 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị cáo có bằng chứng thể hiện Thư xác nhận vốn góp được ký bởi ông Nguyễn Ngọc Tỉnh, cựu TGĐ Công ty Kiểm toán và kế toán Hà Nội và do 2 kiểm toán viên khác thực hiện kiểm toán. Thư xác nhận ủy thác đầu tư của Faros cũng do người khác ký. Ngoài ra, bị cáo đề nghị tòa án giám định chữ ký trên 2 báo cáo kiểm toán trong hồ sơ vì các chữ ký này khác nhau, không phải chữ ký của bị cáo.

Nhiều người đã bán cổ phiếu ROS và có lãi

Luật sư Vũ Đặng Hải Yến, bào chữa cho ông Trịnh Văn Quyết cho rằng thân chủ của bà luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải. Tuy nhiên, mức án 24-26 năm tù cho 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán mà VKS đề nghị là quá nghiêm khắc, không thực sự phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả, chưa xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Luật sư Yến đề nghị HĐXX xem xét lại yếu tố xác định thiệt hại, người bị hại trong vụ án. Trong vụ án, có hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu. Trong đó có nhiều người đã bán cổ phiếu và chỉ còn 133 người chưa bán.

Luật sư Yến cho rằng chiếu theo quy định tại Điều 62 BLTTHS về người bị hại thì chỉ có 133 người này mới đáp ứng tiêu chí bị hại.

Trong nhóm hơn 30.000 người mua cổ phiếu ROS ban đầu, tra cứu ngẫu nhiên thì có nhiều người đã bán cổ phiếu và có lãi, đã thu hồi số tiền bỏ ra. Nếu xác định họ là bị hại thì bất hợp lý.

Có nhiều trường hợp khi CQĐT mời làm việc thì từ chối làm việc hoặc không thể liên hệ. Nhiều trường hợp khẳng định “giá trị cổ phiếu lên xuống, lời lỗ là chuyện bình thường”, “đầu tư mua cổ phiếu là do tự nguyện”, “không yêu cầu bồi thường". Có người còn khẳng định “không bị thiệt hại gì” và “không yêu cầu bồi thường”.

Từ đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xác định người bị hại ở hành vi lừa đảo là 133 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu này. Cùng với đó, luật sư Yến cho rằng khoản tiền bị cáo Trịnh Văn Quyết nộp khắc phục hậu quả vụ án đủ để hoàn trả lại cho các bị hại này.

Như vậy, ngoại trừ thiệt hại của nhóm 133 nhà đầu tư, không thể xác định số tiền thiệt hại đối với các nhà đầu tư còn lại. Số tiền còn lại sẽ được nộp vào NSNN và được đảm bảo bằng rất nhiều tài sản thuộc sở hữu cá nhân của bị cáo.

Do đó, luật sư Yến đề nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết, tương tự vụ án Tân Hoàng Minh trong đó, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh mức án 8 năm tù giam, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (Phó TGĐ Tân Hoàng Minh) mức án 3 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cùng bào chữa cho bị cáo Quyết, luật sư Trần Nam Long đề nghị HĐXX xem xét đối trừ trực tiếp phần giảm giá trị cổ phiếu đang bị phong toả (giá trị thất thoát tính từ khi phong toả đến nay) vào số tiền hưởng lợi của ông Quyết.

Ông Long đề nghị HĐXX cho phép bị cáo Quyết thông qua luật sư và gia đình chủ động tìm kiếm nhà đầu tư để bán tài sản là cổ phiếu để nộp phần giá trị còn lại của số tiền hưởng lợi trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu tình trạng mất giá.

Sau khi các luật sư bào chữa, HĐXX đã hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết có bổ sung ý kiến. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết không có ý kiến bào chữa thêm.

Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Văn Quyết sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo các đồng phạm tăng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng; sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu, sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.

Bị cáo Quyết còn chỉ đạo mượn giấy tờ người khác để thành lập, đứng tên doanh nghiệp và mở tài khoản chứng khoán. Sau đó, sử dụng các tài khoản này thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đó, thu lời bất chính hơn 680 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm