Như chúng tôi đã thông tin, ngày 31-5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an phát đi thông báo về việc truy nã bị can Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về tội nhận hối lộ.
10 năm chưa vận hành được
Trước đó, hồi tháng 6-2017, Duy bị truy nã quốc tế về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Dự án liên tục vận hành thử rồi trùm mền
Như Pháp Luật TP.HCMđã phản ánh, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thành lập Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Tổng hợp Dầu khí (PVTex).
Năm 2008, Hội đồng Quản trị PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ đóng tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng trong bối cảnh chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ đều đi vay.
Sau thời gian ngắn giữ chức Phó Tổng Giám đốc, tháng 7-2009, Hội đồng quản trị PVTex đã bổ nhiệm ông Duy (lúc này mới 34 tuổi) làm Tổng giám đốc, thực hiện đầu tư dự án.
Sau khi hoàn thành các hạng mục dự án, tháng 7-2011, nhà máy cho chạy thử được công bố là thành công nhưng sau đó vẫn không thể vận hành thương mại. Hàng chục đợt chạy thử tiếp theo, cho ra lò hàng chục ngàn tấn sản phẩm vẫn không đạt chất lượng nên Vinatex không tiêu thụ. Lúc này PVTex nhìn nhận các sản phẩm của nhà máy này đã không đạt chất lượng.
Sau 5 năm giữ chức Tổng giám đốc PVTex (từ 2009 đến tháng 2-2014), ông Duy bị giáng chức xuống làm Phó Tổng giám đốc vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy. Ít tháng sau, ông về làm Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng, bỏ lại sau lưng dự án vận hành phập phù, đến năm 2015 phải dừng hoạt động.
“Hiện nhà máy không hoạt động nhưng phải vận hành các chi tiết máy quan trọng để tránh hỏng hóc và trả lương cho công nhân… với tổng chi phí khoảng 6,5 tỉ đồng/tháng”, cuối năn 2017, ông Phạm Văn Chất, Tổng Giám đốc PVTex cho hay.
Đến khi Thanh tra Chính phủ vào cuộc, đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại đây.
Thay đổi xuất xứ thiết bị từ Đức sang Trung Quốc
Theo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo PVTex đã không thẩm định tổng mức đầu tư theo quy định mà phê duyệt trên cơ sở nghị quyết của PVN dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư một số khoản chi phí với số tiền hơn 700 tỷ đồng (hơn 38,7 triệu USD).
Đặc biệt, sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, PVTex đã không thực hiện đăng tải thông tin và phê duyệt kết quả đấu thầu, giá đề nghị trúng thầu cao hơn giá gói thầu được duyệt 20 triệu USD. Cùng với đó, khi ký hợp đồng EPC, lãnh đạo đơn vị đã ký bằng đồng USD nhưng thanh toán lại bằng tiền Việt, dẫn đến tiền chênh lệch tỷ giá ngoại tệ đã lên tới gần 47 tỉ đồng.
Các sai phạm liên quan đến việc quản lý thi công dự án của HĐQT và Tổng giám đốc PVTex là ông Vũ Đình Duy cũng được chỉ rõ thông qua việc không tổ chức thẩm định khi phê duyệt dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, tổng mức đầu tư, dẫn đến nội dung dự án không phù hợp, không đồng bộ với thiết kế kỹ thuật tổng thể.
Thậm chí ban lãnh đạo còn phê duyệt tổng mức đầu tư khi dự án thiếu chi phí vốn lưu động cũng như tăng sai một số khoản chi phí trị giá gần 39 triệu USD. Trách nhiệm là của ông Duy và HĐQT PVTex.
Trong khi thực hiện đấu thầu, HĐQT PVTex và ông Duy đã phân chia dự án thành các gói thầu thiếu cơ sở, sơ tuyển nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt và trước khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu!
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu đã thay đổi nguồn gốc, xuất xứ một số thiết bị nhưng không thương thảo trước. Đặc biệt, những thiết bị được thay thế xuất xứ đều thuộc diện cực kỳ quan trọng như dây chuyền thiết bị kéo sợi dún đã được thay đổi nguồn gốc từ Đức sang Trung Quốc với trị giá hơn 11,3 triệu USD. Hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in và thiết bị đóng bao cũng được chuyển từ Đức thành xuất xứ châu Âu với tổng giá trị 1,7 triệu USD…
Vào cuộc điều tra, Bộ Công an khởi tố 5 bị can liên quan gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX; ông Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX; ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX và ông Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC.
Tuy nhiên trước khi vụ án được phanh phui, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn (Công an xác định Duy bỏ trốn ngày 22-10-2016).
Sau gần một năm điều tra mở rộng, công an xác định Duy đã nhận hối lộ nên đã khởi tố bổ sung tội danh này với Duy. Tuy nhiên Duy nhận hối lộ của ai, số tiền cụ thể thế nào thì công an chưa thông tin.