Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia: Chàng trai thật thà mê máy móc

Mặc dù đến 9 giờ 30 chương trình mới bắt đầu nhưng từ sáng sớm, sân Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM đã rất đông các bạn đến cổ vũ cho Đào Nguyễn Thạnh Hưng. Hơn 200 bạn liên tục hò reo, hô khẩu hiệu “Thạnh Hưng bình tĩnh, tự tin, chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng” làm cho không khí đã nóng lại càng nóng hơn. Ở trường quay S14 Đài truyền hình Việt Nam, cuộc thi cũng nhanh chóng được hâm nóng trong phần thi Khởi động.

Cuộc đua cách biệt

Là người thi đầu tiên, sự nhanh nhạy của Thạnh Hưng đã đem lại cho em 70 điểm. Đây cũng là số điểm mà Hoàng Thế Anh (Trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) giành được trong phần thi của mình. Tuy nhiên, cuộc đua đã có sự dãn cách rõ rệt khi Thế Anh nhanh chóng bứt phá nhờ vào việc giải được câu hỏi ở phần thi Vượt chướng ngại vật là Văn minh lúa nước và giành được 160 điểm. Đây cũng là lần thứ tư Thế Anh lật mở được ẩn số quan trọng này tại phần thi này. Mặc dù cũng có đáp án tương tự nhưng do bấm chuông muộn hơn nên cơ hội đã tuột khỏi tay Thạnh Hưng.

Có được khoảng cách an toàn với các thí sinh còn lại, Thế Anh tiếp tục vươn lên và đạt được hệ số an toàn cao ở phần thi Tăng tốc với 310 điểm. Trong khi đó, Thạnh Hưng giữ vị trí thứ nhì với 170 điểm. Vũ Hoàng Sơn (Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) ở vị trí thứ ba với 110 điểm, hơn Nguyễn Văn Nam (Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) 10 điểm.

Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia: Chàng trai thật thà mê máy móc ảnh 1

Thế Anh cùng bố mẹ và cô giáo. Ảnh: VT

Ở phần thi Về đích, các thí sinh lần lượt chọn gói câu hỏi 80 điểm cùng với ngôi sao hy vọng. Thạnh Hưng là người đầu tiên Về đích nhưng em chỉ giành được 20 điểm khi trả lời đúng ở câu thứ ba. Hoàng Sơn là người thứ hai bước vào thử thách cuối cùng, cậu học sinh Hà Nội đã rơm rớm nước mắt trước sự cổ vũ cuồng nhiệt từ sân nhà. Với vốn điểm 120 điểm, phải đến câu hỏi thứ hai, Hoàng Sơn mới giành được 20 điểm đầu tiên nhưng sau đó em lại để tuột 30 điểm với ngôi sao hy vọng về cho Thạnh Hưng ở câu hỏi Đất nước nói tiếng Anh nào được coi là hạnh phúc nhất. Câu trả lời của Hoàng Sơn là Singapore, trong khi đáp án là nước Úc.

Văn Nam rất chật vật giành điểm ở phần thi này. Trong cả năm câu hỏi, trong khi Văn Nam không ghi điểm thì Hoàng Sơn đều bấm chuông trả lời và có hai lần ghi được điểm. Trong đó ở câu 30 điểm có ngôi sao hy vọng, dù hiểu sai nội dung câu hỏi “nước nào sản xuất chè lớn nhất thế giới” nhưng Hoàng Sơn may mắn trả lời đúng là India (Ấn Độ).

Về đích cuối cùng với quỹ điểm 305 điểm, Thế Anh có lợi thế hơn hẳn nhưng cậu cho biết vẫn rất run khi bước lên bục thử thách. Kết quả cuối cùng, Thế Anh giành chiến thắng với 285 điểm, Thạnh Hưng về nhì với 170 điểm, Hoàng Sơn 120 điểm, còn Văn Nam ra về với 100 điểm.

Thật thà là Thế Anh

Hoàng Thế Anh, tân chủ nhân của Vòng nguyệt quế năm 2013 ngoài câu khẩu hiệu “Thế Anh - Thế mới là Anh” còn được bạn bè gán cho câu “Thật thà là Thế Anh”. Theo các bạn đi cùng đoàn cổ vũ cho Thế Anh tại trường quay S14, sở dĩ Thế Anh được gọi như thế vì cậu nói chuyện khá thật thà. Ông Hoàng Thế Côn, bố Thế Anh, hiện đang là Hiệu trưởng Trường THCS An Hương (huyện Tân Yên,  Bắc Giang). Sau khi hòa cùng dòng người lên chúc mừng cậu con trai út, ông lặng lẽ ra một chỗ yên ắng bên ngoài trường quay gọi điện thoại báo tin cho bạn bè người thân.

Ông Côn cho biết điều tự hào nhất của ông không chỉ là chiến thắng cách biệt mà con trai giành được mà còn là việc Thế Anh liên tiếp là người giải được câu hỏi quan trọng ở phần thi Vượt chướng ngại vật. Ông chia sẻ: “Từ thời tiểu học, Thế Anh đã có đam mê với các cuộc thi trí tuệ, đặc biệt hai cha con thường xuyên xem chương trình Đường lên đỉnh Olympia, thậm chí còn tranh luận với nhau về các câu hỏi trong cuộc thi này. Ngoài ra, Thế Anh có thể chơi tất cả môn thể thao, đặc biệt là bóng đá”. Cũng theo ông, cái tên Thế Anh là do anh trai Thế Anh đặt cho em trai mình.

Nói về chiến thắng của mình, Thế Anh tâm sự trước khi đi thi thậm chí đến tận vòng chung kết, cậu chưa một lần nghĩ là mình sẽ chiến thắng. “Em nghĩ thi cho vui thì chơi hết mình nên về nhất em bất ngờ lắm. Em nghĩ em may mắn cực, nhất là ở phần thi Tăng tốc. Ở nhà em cũng xác định không biết thì em cũng trả lời bừa” - Thế Anh thật thà chia sẻ.

Thế Anh cho biết em ước mơ trở thành sinh viên Trường ĐH Bách khoa, khoa Điện tử viễn thông. Vì thế, được đi du học, Thế Anh cũng sẽ chọn ngành đó. “Em thích động đến máy móc, em cũng thích xem chương trình Robocon và thỉnh thoảng cũng vọc máy móc, tập chế tạo nhưng toàn hỏng” - Thế Anh nói.

Hoàng Thế Anh sinh ra ở thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), 12 năm đều là học sinh giỏi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2012-2013, Thế Anh đoạt loại giỏi và luôn nằm trong tốp học sinh đứng đầu lớp 12 chuyên Toán về thành tích học tập. Khi Thế Anh vào vòng chung kết, nhà trường thành lập riêng tiểu ban cố vấn (gồm 12 thầy cô ở các bộ môn khác nhau) vừa nghiên cứu, sưu tầm tư liệu liên quan đến các chương trình Gameshow, vừa giúp em bổ sung, ôn luyện kiến thức. Các bạn trong trường cũng đến tham gia luyện tập.

______________________________________

Điểm đặc biệt ở kỳ thi năm nay là ban tổ chức đã giảm thiểu được các tình huống gây tranh cãi. Ban cố vấn chưa một lần phải xuất hiện để giải thích hoặc đưa ra các phán quyết liên quan đến điểm số của thí sinh.

Cùng với việc lọt vào vòng chung kết, bạn bè của Thế Anh ở Trường chuyên Bắc Giang đã lập cho Thế Anh một trang Facebook có tên: Thế Anh - Anh ấy đã trở thành huyền thoại. Hiện trang này đã có trên 2.600 lượt thích.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm