Quan sát nghị trường: Cơ chế đặc thù làm cho cán bộ đổi mới

(PLO)- Khi có một nghị quyết riêng hoặc lồng vào nghị quyết của kỳ họp một điểm cho phép các cơ quan thực thi được phép vận dụng các quy định của pháp luật phù hợp nhất để mang lại kết quả tốt nhất sẽ khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Quốc hội vào ngày 16-1, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đặt vấn đề rất sâu về cơ chế đặc thù. Với lập luận “chưa có cơ chế đặc thù nào gây ra hậu quả xấu, chỉ có tốt hơn”, ông đặt vấn đề theo hướng mở rộng hơn về cơ chế này.

Ông nói: Từ đầu khóa đến nay, các kỳ họp Quốc hội đều thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng rồi đến các tỉnh, các dự án và kỳ họp này là cơ chế đặc thù cho các chương trình.

Điểm chung của các cơ chế đặc thù là cho phép các đối tượng thực thi được thực hiện một phương thức khác so với những quy định của pháp luật hiện hành, có thể bỏ qua một số khâu không cần thiết hoặc một số quy định không thực sự phù hợp. Việc đó đều mang lại kết quả tốt và hầu như chưa có cơ chế đặc thù nào gây ra hậu quả xấu.

Pháp luật khi ban hành có thể phù hợp với lĩnh vực này nhưng có thể không phù hợp với lĩnh vực khác, hoàn cảnh cụ thể khác. Trong bối cảnh phát triển như hiện nay, đặc biệt là bối cảnh 4.0 sẽ nảy sinh rất nhiều quan hệ mới. Hôm nay, quy định của pháp luật điều chỉnh các hành vi này thì có thể ngày mai, các hành vi lại khác đi và quy định không còn phù hợp nữa.

Trong tương lai, nhiều điểm bất cập về pháp luật xuất hiện và cần có nhiều cơ chế đặc thù hơn. Nhưng phải chăng chúng ta cứ ngồi chờ để các địa phương hay các ngành, lĩnh vực thấy vướng mắc rồi xin cơ chế đặc thù? Nên chăng, chúng ta chủ động đưa ra một cơ chế, phương thức để chủ động khắc phục tình trạng này?

Kết luận 14 của Trung ương và gần đây Chính phủ có Nghị định 73 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Có nhiều người nói rằng biết được làm như thế là tốt cho thực tế, tốt cho người dân nhưng không làm được bởi vì sợ vướng pháp luật, dẫn đến xơ cứng và vô cảm.

Tôi xin mạnh dạn đề nghị cần nghiên cứu và Quốc hội nên có một nghị quyết riêng hoặc lồng vào nghị quyết của kỳ họp một điểm cho phép các cơ quan thực thi pháp luật được phép vận dụng các quy định của pháp luật hoặc là trong số các quy định của pháp luật khác nhau thì có thể lựa chọn một quy định nào đó phù hợp nhất với điều kiện thực tế thực thi để mang lại kết quả tốt nhất.

Nếu làm như thế, có thể quá trình thực thi sẽ không hoàn toàn đúng quy định nhưng lại đúng với thực tế, giải quyết được ngay vấn đề và động cơ cá nhân không thể nào lồng vào được do có cơ chế công khai, minh bạch ngay từ đầu.

Nếu làm được như thế sẽ khuyến khích cán bộ năng động nghĩ ra những phương thức mới để đổi mới, sáng tạo. Vì đất nước đang cần những bước phát triển đột phá. Phát triển đột phá thì phải dựa vào đổi mới, sáng tạo. Đổi mới, sáng tạo trước hết phải đổi mới, sáng tạo từ chính quản lý, từ chính cơ chế, từ chính cán bộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm