Quảng Nam rút bớt lực lượng tìm kiếm để chống bão

Ngày 3-11, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã chỉ đạo rút bớt lực lượng tìm kiếm ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).

Hiện vẫn còn 14 nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở kinh hoàng này vẫn chưa được tìm thấy.

Đưa toàn bộ dân khỏi hiện trường vùng sạt lở

“Hơn năm ngày qua, các lực lượng đã tìm hầu hết vị trí ở hiện trường nhưng chỉ tìm được tám thi thể. Bên cạnh đó, khoảng 30 canô, thuyền chạy nhiều nơi ở các con suối, đập thủy điện Sông Tranh 2 nhưng vẫn không phát hiện nạn nhân mất tích” - ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết những người dân lập lán trại ở hiện trường vụ sạt lở cũng được vận động di tản đến nơi an toàn và cho ở ghép tại các nhà dân, điểm trường kiên cố. Mọi người phải di tản đến nơi an toàn trước 11 giờ trưa 4-11. Sau bão số 10 sẽ tiếp tục thực hiện tổ chức tìm kiếm.

Cùng ngày, chính quyền xã Trà Leng đã lên phương án di dời, sơ tán người dân ở những điểm có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để phòng, chống bão số 10. Những người có nhà bị sập trong vụ sạt lở được ở ghép với người dân, tạm trú trường học.

Ông Hồ Văn Đề mắt đỏ hoe buồn, theo dõi việc tìm kiếm người mất tích. Ảnh: HẢI HIẾU

Lập lán cạnh mộ mới để ngóng tin người mất tích

Ngày 3-11, con đường vào hiện trường vụ sạt lở tại nóc Ông Đề ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn đầy bùn đất nhão nhoẹt. Các lực lượng vẫn cố gắng bới móc từng lớp bùn đất, cây gỗ để tìm kiếm người mất tích.

Trên lán trại được dựng bằng tấm bạt và vài cây gỗ tạm bợ, người thân của các nạn nhân mất tích ai cũng buồn rười rượi, hướng mắt về đống bùn đất mà trước đây là ngôi làng của họ. Mấy ngày qua, họ chỉ ăn mì tôm, những thức ăn có thể nuốt vội mà không màng gì đến sức khỏe.

Cụ Hồ Văn Đề (77 tuổi, người trong làng lấy tên ông để đặt tên cho làng là nóc Ông Đề) lo lắng. Hôm xảy ra vụ sạt lở, vợ chồng ông lên nương và ở lại do mưa quá to nên thoát nạn. Sáng hôm sau ông về nhà, nhìn thấy làng mình bị đất đá vùi lấp đã muốn khuỵu ngã. Ông có tám người thân bị mất tích, hiện chỉ tìm được hai thi thể.

Từ khi về, ông dựng ngay một lán trại cạnh hiện trường, sát với hai ngôi mộ của những nạn nhân mới chôn. Theo phong tục người M’nông, họ rất sợ những ngôi mộ mới này nhưng họ đang nóng lòng tìm người mất tích nên quên đi tất cả sợ hãi. Đêm đến, hàng chục thanh niên cùng ông Đề vẫn ngồi trong làng, họ hy vọng có ai đó còn sống sót tìm về.

Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng rút bớt, chính quyền đến vận động mọi người rời khỏi hiện trường để đảm bảo an toàn chống bão số 10. Ông Đề và mọi người vẫn bịn rịn không muốn đi.

“Tôi rất mong tìm được xác ai cũng được. Tìm được ai là tôi mừng” - ông Đề nói với vẻ buồn rười rượi.

Theo những người dân trong làng, những ngày qua, mỗi khi tìm được thi thể ai là ông Đề rất mừng, không riêng gì người thân của ông. Hôm tìm được thi thể con trai ông, ông lao vào ôm con khóc thét...

Trực thăng tiếp tế lương thực hoãn bay vì thời tiết xấu

Đến chiều 3-11, lực lượng chức năng đã tìm được chín thi thể trong vụ sạt lở đất khiến 13 người mất ở xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam). Hiện bộ đội đã tiếp cận được hiện trường xã này, gấp rút tìm kiếm bốn người mất tích còn lại.

Chiều cùng ngày, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thiếu tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tư lệnh quân chủng Phòng không Không quân, cho biết trong ngày, lực lượng này đã bốc hàng hóa sẵn lên trực thăng. Trung đoàn 930 (thuộc Sư đoàn 375) chỉ đợi thời tiết thuận lợi để bay tiếp tế cho bà con ở vùng bị cô lập nhưng không thực hiện được.

Trong ngày 4-11, dự báo thời tiết sẽ xấu hơn, khả năng sẽ không thể tiếp tục thực hiện việc tiếp tế lương thực cho người dân các xã bị cô lập ở huyện Phước Sơn bằng máy bay cho đến khi qua cơn bão số 10.

“Trước đó chúng tôi đã chuyển gần 10 tấn lương thực, thuốc men vào các vùng bị cô lập và đưa ba người có nguy cơ về sức khỏe đến các bệnh viện để chữa trị, trong đó có một phụ nữ chuẩn bị sinh con” - Thiếu tướng Sơn nói.

Dự kiến lực lượng tiếp tế lương thực bằng đường bộ trong sáng 4-11 cũng sẽ rút để đảm bảo an toàn khi bão số 10 đổ bộ. 

3 ngư dân Bình Định được đưa về quê

Ngày 3-11, tàu kiểm ngư KN490 đã đưa ba ngư dân Bình Định bị nạn vào quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa. Ba ngư dân này gồm Võ Văn Hoài, Huỳnh Xuân Phi (cùng 35 tuổi), Lê Minh Don (20 tuổi). Cả ba ngư dân đều ngụ xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định.

Khi được đưa vào bờ, sức khỏe các ngư dân ổn định. Ba ngư dân trên là thuyền viên của tàu cá BĐ 97469 TS do ông Võ Ngọc Đô (41 tuổi, ngụ xã Hoài Hải) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Tàu này bị chìm chiều 27-10 trên vùng biển cách TP Nha Trang (Khánh Hòa) 172 hải lý khi đang chạy tránh bão số 9. Khi tàu chìm, 14 ngư dân Bình Định bị hất văng giữa biển, trong khi vùng biển này có gió bão mạnh cấp 7, giật cấp 10.

Đến chiều tối 29-10, trên hành trình từ Singapore đi Nhật Bản, tàu M/V Fortune Iris (Hong Kong) cứu vớt được ba ngư dân trên. Sau đó, tàu kiểm ngư KN490 đang tìm kiếm ngư dân mất tích gần đó đến tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe các ngư dân bị nạn.

Dù đã được đưa vào bờ để trở về quê nhà nhưng các ngư dân vẫn chưa hết bàng hoàng, thất thần như vừa trở về từ cõi chết. Theo ba ngư dân sống sót, trong hai ngày họ ôm tấm ván giữa biển chờ cứu, có nhiều tàu cá, tàu hàng chạy ngang nhưng không ai thấy họ vì tiếng kêu cứu của họ tan biến giữa sóng biển đang gầm rú.

TẤN LỘC 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm