Quảng Nam tính thay phương án tuyển sinh vào lớp 10, tránh 'cho điểm'

(PLO)- Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam dự thảo thay phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển sang thi tuyển. Phương án mới nhận sự ủng hộ từ giáo viên, phụ huynh.

Sở Giáo dục và Đào tạo (Sở GD&ĐT) tỉnh Quảng Nam đang dự thảo phương án tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 trường Trung học phổ thông (THPT) công lập không chuyên biệt từ năm học 2024-2025.

Chuyển từ xét tuyển sang thi tuyển

Theo Sở GD&ĐT, trước năm học 2017-2018, tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 THPT là 95% học sinh tốt nghiệp THCS đối với vùng đồng bằng, 100% học sinh tốt nghiệp THCS đối với miền núi.

m-tinh-thay-phuong-an-tuyen-sinh-vao-lop-3.jpg
Quảng Nam tính thay phương án tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển sang thi tuyển. Ảnh: TN

Từ năm học 2017-2018, thực hiện Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó có nội dung “đến năm 2020 có ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Theo đó, tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập từ năm học 2017-2018 đến năm học 2020-2021 được giảm dần tỉ lệ (đồng bằng là 80%, miền núi là 85%) và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2023-2024 có tỉ lệ chung cho toàn tỉnh là 80%.

“Với tỉ lệ tuyển sinh như vậy, nếu tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển, sử dụng kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học THCS của học sinh làm kết quả tuyển sinh là không công bằng đối với học sinh giữa các trường THCS với nhau”, Sở GD&ĐT nhận định.

Ông Đỗ Quang Khôi, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin Sở GD&ĐT Quảng Nam, cho hay phương án thi tuyển dự kiến sẽ phân tuyến theo cấp huyện (phương án cũ phân tuyến theo thôn, xã). Phương án này cũng khác với phương thức thi tuyển từ năm học 2011-2012 về trước.

“Nguyện vọng 2 sẽ mở rộng phân tuyến lên cấp tỉnh, tạo điều kiện cho các em vào học lớp 10 ở công lập ở huyện, địa phương khác. Phân tuyến cấp huyện giúp giảm tải tình trạng ùn ứ về một địa phương, rải đều chỉ tiêu, thí sinh ở các huyện”, ông Khôi cho hay.

Theo ông Khôi, cả nước chỉ có tám tỉnh chọn phương thức xét tuyển vào lớp 10. Trong đó, 5-6 tỉnh có điểm thi THPT trung bình thấp hơn so với trung bình cả nước. Riêng tỉnh Quảng Nam, những năm qua điểm trung bình các môn thi THPT nằm ở nhóm các tỉnh top dưới.

Theo dự thảo phương án thi tuyển, điểm dự tuyển sẽ tính tổng điểm cả ba bài thi Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh cộng điểm ưu tiên (nếu có). Yêu cầu để đủ điều kiện trúng tuyển là tất cả các bài thi đều không có bài nào bị điểm 0.

Phương án cũ lộ nhiều hệ luỵ tiêu cực

Theo dự thảo của Sở GD&ĐT Quảng Nam, tuyển sinh vào lớp 10 THPT bằng phương thức xét tuyển theo phân tuyến đến trường THCS trong những năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế và tạo ra những hệ lụy tiêu cực.

Cụ thể, xét tuyển dựa trên kết quả xét học bạ của 4 năm học cấp THCS nên việc đánh giá, xếp loại học sinh chưa đúng thực chất do tâm lý giáo viên, nhà trường luôn mong muốn cho học sinh của mình có kết quả cao để được vào học lớp 10 THPT công lập.

Quang-Nam-tinh-thay-phuong-an-tuyen-sinh-vao-lop-10.jpg
Thi tuyển tạo sự công bằng, tránh tình trạng 'cho điểm' dẫn đến tiêu cực. Ảnh: TN

Điều này làm cho học sinh thiếu động lực học tập; không đảm bảo được sự khách quan, công bằng trong đánh giá, xếp loại học sinh trong nhà trường và giữa các trường với nhau trên địa bàn tỉnh; mỗi học sinh chỉ có duy nhất một cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập.

Bên cạnh đó, việc xét tuyển làm mất cân đối về số lượng học sinh đăng ký xét tuyển vào lớp 10 giữa các trường THPT công lập.

Nhiều trường phải thu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển với số lượng lớn, vượt quá khả năng tổ chức dạy học. Ngược lại, nhiều trường do số học sinh được phân tuyến vào trường thấp nên xảy ra tình trạng thừa giáo viên, thừa phòng học, gây lãng phí các nguồn lực của nhà trường.

Ông Thái Viết Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết hiện nay sở đang xây dựng dự thảo phương án. “Bước đầu thảo luận thì đa số ý kiến đều mong muốn thay đổi phương án từ xét tuyển thành thi tuyển, nhưng hiện nay đề án chưa hoàn thiện nên chưa nói trước điều gì”, ông Tường nói.

Tránh 'cho điểm' để xét tuyển

Thầy Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), chia sẻ cá nhân và các thế hệ hiệu trưởng từng công tác tại trường đều đồng ý với phương án thi tuyển.

“Bởi thi tuyển sẽ tạo động lực, yêu cầu các em phải nỗ lực học tập. Thi tuyển tạo sự công bằng, tránh ‘cho điểm’ để xét tuyển, dẫn đến tiêu cực. Có như vậy thì học sinh phải học, giáo viên các trường THCS cũng phải nỗ lực dạy”, thầy Tấn nói.

Theo thầy Tấn, thi tuyển cũng phù hợp với Luật Giáo dục Việt Nam 2019, khuyến khích thi tuyển để tạo sự công bằng cho học sinh và phù hợp với nguyện vọng của phụ huynh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm