Ông Lê Minh Thông, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, cho biết tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, theo kế hoạch, Quốc hội dành khoảng sáu ngày (trong khoảng từ 20 đến 28-7) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước cấp cao. Cụ thể như sau: Bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm Các Ủy ban của Quốc hội; tổng thư ký Quốc hội; tổng kiểm toán Nhà nước.
Bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, phó chủ tịch nước, chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Cũng theo ông Thông, Quốc hội sẽ dành khoảng hai ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước như: Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2016; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 2016; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập đoàn giám sát chuyên đề; nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có); báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ nghe Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu.
Liên quan đến vấn đề nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm: “Tại kỳ họp này có điểm mới là đối với các chức danh là cấp phó và ủy viên của các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thuộc thẩm quyền của UBTV Quốc hội trình QH phê chuẩn”.
Cũng theo ông Phúc, để giúp các ĐBQH lần đầu trúng cử lựa chọn được người xứng đáng, tại kỳ họp này Quốc hội cũng chuẩn bị hồ sơ nhiều hơn để các đại biểu có thể nghiên cứu kỹ các ứng cử viên. Thời gian để các đoàn thảo luận về nhân sự tại các đoàn cũng được dành thỏa đáng hơn kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Bên cạnh đó, UBTVQH cũng có giải trình thấu đáo trước các đại biểu.
“Bản thân các ứng cử viên cũng được yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, thậm chí hồ sơ còn được in màu, trình bày đẹp để các đại biểu dễ nắm thông tin” - ông Phúc cho hay.
Lễ tuyên thệ sẽ tổ chức trang trọng hơn Theo quy định của Hiến pháp 2013, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho hay: Rút kinh nghiệm tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII vừa qua, lễ tuyên thệ lần này sẽ được tổ chức trang trọng, nghiêm túc hơn. “Để đảm bảo trang nghiêm, khi lễ tuyên thệ diễn ra, các ĐBQH sẽ được mời đứng lên như chào cờ, không quay phim chụp ảnh, không tặng hoa” - ông Phúc nói. Theo ông Phúc, nghi lễ tuyên thệ lần này cũng được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi nhận được 68 văn bản từ 68 đại sứ quán của 68 nước gửi để mình tham khảo về nghi lễ tuyên thệ của họ. Ví dụ ở Mỹ thì phu nhân của Tổng thống nâng Hiến pháp của Mỹ để cho chồng đặt tay lên tuyên thệ. Ở Philippines con gái nâng hiến pháp cho cha tuyên thệ… Điều này do văn hóa, thể chế chính trị của từng nước. Lễ tuyên thệ của ta như thế là phù hợp” - ông Phúc cho hay. |