Quốc hội: Phải giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, cán bộ nghỉ việc

(PLO)- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465/466 đại biểu (ĐB) tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số ĐBQH).

Theo dõi sát thị trường thế giới, có đối sách linh hoạt

Nghị quyết của QH nhấn mạnh trong năm 2023 phải theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

các đại biểu Quốc hội bấm nút, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023
Chiều 10-11, các đại biểu Quốc hội bấm nút, biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Ảnh: QH

Nghị quyết cũng nêu phải nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau”.

Nghị quyết nhấn mạnh tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đặc biệt, nghị quyết yêu cầu triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Vì sao QH đặt mục tiêu CPI là 4,5%

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho hay: Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới diễn biến phức tạp; việc thắt chặt chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn; kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái... “Từ đó, có đề xuất tăng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên 6%-8%” - ông Thanh trình bày.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế trình bày rõ việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% nhằm thực hiện được tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chỉ tiêu CPI này phải sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH xin giữ như dự thảo nghị quyết.

“Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, linh hoạt, chủ động, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường được QH quyết định” - ông Thanh trình bày.

Trước ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “dứt điểm” trong nội dung “tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, hóa chất”, UBTVQH cho rằng: Việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân chính là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành và địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm..., đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh.

“Vì vậy, việc giải quyết “ngay lập tức”, “dứt điểm” cần được nhấn mạnh và quan tâm thực hiện” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Doanh nghiệp không buộc thành lập Ban thanh tra nhân dân

Sáng 10-11, QH đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443 ĐBQH tán thành, chiếm tỉ lệ 88,96% tổng số ĐBQH.

Trước khi các ĐB bấm nút biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt UBTVQH trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.

Theo đó, do còn có ý kiến khác nhau về nội dung “điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động”, nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong QH, UBTVQH đã chỉ đạo tổng thư ký QH gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.

Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ý kiến của các cơ quan, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo đó, về việc thành lập Ban thanh tra nhân dân (BTTND) và tên gọi của BTTND, ông Tùng báo cáo đã có sự chỉnh lý dự thảo luật. Cụ thể, quy định việc thành lập BTTND ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước vẫn như hiện nay.

Không quy định về thành lập BTTND tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Ông Hoàng Thanh Tùng cũng báo cáo, có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

UBTVQH giải trình đã tiếp thu các ý kiến nêu trên và đã bổ sung nguyên tắc việc thực hiện dân chủ ở cơ sở không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động vào khoản 3 Điều 3 của dự thảo luật; tránh gây ra các tác động tiêu cực không mong muốn trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung vào khoản 3 Điều 7 của dự thảo luật quy định về quyền thụ hưởng kết quả thực hiện dân chủ ở nơi công dân cư trú, công tác, làm việc.

Các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội năm 2023

Nghị quyết cũng đặt ra 15 chỉ tiêu chủ yếu gồm:

1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.

2. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD).

3. Tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25,4%-25,8%.

4. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.

5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5%-6%.

6. Tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.

7. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.

8. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

9. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1%-1,5%.

10. Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.

11. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32 giường bệnh.

12. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số.

13. Tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 78%.

14. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.

15. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm