65% nội dung kiến nghị, tố cáo tại TP.HCM thuộc lĩnh vực đất đai

(PLO)- Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng, hạn chế nhất hiện nay trong công tác giải quyết khiếu nại của dân là việc theo dõi, đôn đốc, giải quyết chưa đi đến cùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 935-QĐ/TU, Quyết định số 936-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM (Quy chế về tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn TP.HCM).

65% nội dung kiến nghị, tố cáo tại TP.HCM thuộc lĩnh vực đất đai ảnh 1

Dịp này, Thành ủy TP.HCM cũng đã trao tặng bằng khen cho 99 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện các Quyết định số 935,936 và 994. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao bằng khen cho các tập thể. Ảnh: THANH TUYỀN

65% nội dung phản ảnh liên quan về đất đai

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, qua 5 năm, TP đã tiếp nhận 220.491 lượt ý kiến của người dân thông qua hoạt động tiếp dân. Trong đó, TP tiếp công dân thường xuyên với gần 164.000 lượt, lãnh đạo tiếp định kỳ và đột xuất là 57.000 lượt.

Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các sở ngành và các phòng ban đã dành gần 41.000 ngày để tiếp công dân định kỳ.

TP cũng đã tiếp 1.405 đoàn đông người liên quan đến các dự án như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP, Khu nhà ở và văn phòng làm việc tại số 1Bis-1 Kép Nguyễn Đình Chiểu, dự án đầu tư xây dựng Thảo Cầm Viên mới Sài Gòn…

65% nội dung kiến nghị, tố cáo tại TP.HCM thuộc lĩnh vực đất đai ảnh 2

Toàn cảnh hội nghị sáng 10-11. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong sáu tháng đầu năm, toàn TP đã tổ chức tiếp 10.624 lượt đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Nội dung tố cáo, phản ảnh về lĩnh vực đất đai chiếm đến 65%, chủ yếu về công tác quy hoạch, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án; khiếu nại về việc cấp hoặc thu hồi hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Lĩnh vực nhà ở, tài sản chiếm 15%, chủ yếu về khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng, cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; tố cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; trong số đó có phát sinh nội dung tố cáo về việc chậm trễ xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của người dân.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, từ năm 2017 đến nay đã tổ chức hơn 2.200 cuộc giám sát, tổ chức 334 hội nghị phản biện xã hội, chuyển 437 văn bản kiến nghị của cử tri đến các cấp, sở ban ngành...

Tuy nhiên, thực tế cũng còn một số đơn vị chậm xem xét, giải quyết cho người dân; nhất là với những đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đền bù, bố trí tái định cư. Phía MTTQ phải đôn đốc nhiều lần mới có thông tin phản hồi đến người dân.

Đẩy lùi lối sống thực dụng, cơ hội, xa dân

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá, trong 5 năm qua, chính quyền TP đã không ngừng phát huy dân chủ, tổ chức nhiều kênh thông tin tiếp nhận ý kiến của người dân, doanh nghiệp để hoàn thiện chính sách.

“Toàn hệ thống chính trị TP đã từng bước đưa công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân đi vào nền nếp; tập trung giải quyết một khối lượng rất lớn đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân trên nhiều lĩnh vực; nhất là vấn đề đất đai, quy hoạch, bồi thường, tái định cư và nhiều vấn đề dân sinh bức xúc”- ông Nguyễn Hồ Hải nhìn nhận.

65% nội dung kiến nghị, tố cáo tại TP.HCM thuộc lĩnh vực đất đai ảnh 3

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: THANH TUYỀN

Trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế- xã hội, các cấp chính quyền đã có nhiều hình thức linh hoạt để đối thoại với dân như tiếp nhận ý kiến cử tri thông qua tổng đài 1022, chương trình “Dân hỏi- chính quyền trả lời”…

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều hạn chế, hình thức trong công tác giám sát, phản biện xã hội, đối thoại và tiếp thu ý kiến của người dân. Nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thiếu quyết liệt trong tổ chức đối thoại với dân; nội dung đối thoại chưa thật sự sâu rộng…

“Đặc biệt, hạn chế nhất hiện nay là việc theo dõi, đôn đốc, giải quyết kiến nghị của người dân chưa hiệu quả, chưa đi đến cùng”- ông Nguyễn Hồ Hải nói.

Từ đó, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu các cấp, các ngành đổi mới việc cung cấp thông tin để nhân dân được biết về hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp.

Công khai hóa các chủ trương, chính sách, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân; tạo mọi điều kiện để người dân đề đạt tâm tư, nguyện vọng, có ý kiến về những chủ trương, chính sách còn bất cập, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện từ cơ sở.

Mỗi cán bộ, Đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình về “đạo làm người, làm Đảng viên, làm cán bộ, làm lãnh đạo”; dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; từng bước đẩy lùi lối sống thực dụng, cơ hội, nhất là tệ quan liêu, xa dân, nhũng nhiễu, vô cảm trước khó khăn của dân…

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM

Đồng thời, khuyến khích bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách để từng ngành, từng cấp, từng cơ quan phát triển đi lên.

Ông Nguyễn Hồ Hải cũng yêu cầu HĐND và UBND TP sớm hoàn thiện các quy định nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia, quyết định những vấn đề quan trọng của TP, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị.

Ông cũng đề nghị MTTQ và các đoàn thể phải thật sự đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội, nghiên cứu đề xuất chính quyền TP ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để Mặt trận, các đoàn thể thành lập và phát huy hiệu quả của hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn nhằm phát huy đội ngũ trí thức, nhà khoa học, doanh nhân...

Quyết định số 936 về ban hành Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Quyết định số 994 về ban hành quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan có liên quan góp ý các chủ trương, chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm