Trang Defense News ngày 5-4 dẫn lời Tướng David Berger - tư lệnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ - cho biết chiến lược quốc phòng sắp tới của Mỹ sẽ nhấn mạnh "hoạt động ở tiền phương" là một trụ cột cho các hoạt động của lực lượng trong tương lai.
Theo ông Berger, “hoạt động ở tiền phương” là một phần mở rộng của những hoạt động Thủy quân lục chiến đã và đang tiến hành.
Hải quân Mỹ xác định 'hoạt động ở tiền phương' là trụ cột trong đối phó Bắc Kinh. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Phát biểu tại hội nghị thường niên Sea-Air-Space của Liên đoàn Hải quân hôm 4-4, ông Berger cho biết: “Sự hiện diện của lực lượng tuần duyên, hải quân, thủy quân lục chiến ở tiền phương vào mọi thời điểm giúp bộ trưởng quốc phòng có một bức tranh rõ ràng hơn về tình hình”.
“Hoạt động ở tiền phương” mang lại “cơ hội đầu tiên để ngăn chặn” đối phương” – ông Berger cho biết, nói thêm rằng “nếu đối phương muốn vươn ra ngoài Biển Đông, giả sử quý vị là (Trung Quốc) - nếu quý vị muốn mở rộng tuyến phòng thủ của mình xa hơn và chúng tôi đã ở đó - thì điều đó sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Cũng tại sự kiện trên, Đô đốc Mike Gilday - tư lệnh Hải quân Mỹ - cho biết một hạm đội hiện diện bền bỉ có thể khiến Trung Quốc suy nghĩ kỹ về việc có hành động đối với các nước láng giềng, hoặc ít nhất giúp đảm bảo rằng thế giới có thể biết được những gì đang thực sự diễn ra.
“Hãy nghĩ về tầm quan trọng của điều đó đối với Mỹ và thế giới, hãy nói về hoạt động của Nga tại Ukraine: Chúng tôi đã loại bỏ sự bất ngờ chiến lược mà (Tổng thống Vladimir Putin) muốn, chúng tôi loại bỏ sự bất ngờ về hoạt động và chiến thuật của ông ấy, chúng tôi lấy đi khả năng Nga có thể sử dụng các hoạt động ‘cờ giả’ làm cái cớ để vượt biên giới và tấn công Ukraine” – ông Gilday nói thêm.
“Tôi cho rằng khả năng chúng tôi thực hiện điều đó hàng ngày ở Tây Thái Bình Dương là cực kỳ quan trọng. Và bạn không thể làm điều đó trên mạng, bạn phải ở đó để đảm bảo với các đồng minh và đối tác, để xem hoạt động đó và phơi bày nó” - ông tiếp tục.
Theo Defense News, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã bổ sung cách tiếp cận "Lực lượng dự phòng" vào danh sách khái niệm đang được phát triển cho các hoạt động trong tương lai nhằm ngăn chặn hoặc đối phó Trung Quốc.
Theo đó, lực lượng dự phòng và lực lượng viễn chinh luân phiên sẽ hỗ trợ cho hoạt động tiền phương ở các vùng biển.
Defense News dẫn lời Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - ông Samuel Paparo – cho biết: “Chúng tôi đang hoạt động theo cách đó, theo cách ngăn chặn việc thâm nhập, bảo vệ, chiếm ưu thế”.
“Ngăn chặn các mục tiêu thâm nhập chuỗi đảo đầu tiên. Bảo vệ các đồng minh và đối tác dọc chuỗi đảo đầu tiên. Và chiếm ưu thế khi ở bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên” – ông Paparo lý giải.
“Hoạt động tại tiền phương có nghĩa là tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải, nhấn mạnh là lực lượng hải quân Mỹ sẽ bay và đi đến bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, và sau đó là sự sẵn sàng của chúng tôi để răn đe và, nếu việc ngăn chặn thất bại, sẽ chiến đấu và chiến thắng trước bất kỳ hành động gây hấn nào làm mất trật tự dựa trên luật lệ quốc tế, vốn là cơ sở đối với an ninh và phúc lợi của quốc gia” - ông Paparo nói thêm.
Theo ông Berger, để hoạt động tại tiền phương có hiệu quả, lực lượng hải quân phải “đáng tin cậy”.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức đề xuất ngân sách tài khóa 2023, theo đó Mỹ sẽ giảm đội tàu chiến từ 298 tàu hiện nay xuống còn 280 tàu vào năm tài chính 2027.
Các nhà lập pháp Mỹ đồng ý rằng Hải quân Mỹ phải sẵn sàng đối phó mối đe dọa ngắn hạn từ Trung Quốc, song cho rằng lực lượng này cần nhiều tàu chiến hơn, chứ không phải ít hơn, để tạo ra một sự răn đe đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ông Gilday lập luận: “Chúng ta cần một lực lượng sẵn sàng, có khả năng gây sát thương nhiều hơn là cần một lực lượng lớn hơn, ít sẵn sàng hơn, ít sát thương hơn và năng lực kém hơn”.