Bộ Quốc phòng Ấn Độ mua khẩn cấp 240 tên lửa chống tăng dẫn đường Spike và 12 ống phóng từ Hệ thống Phòng thủ tối tân Rafael của Israel sau xung đột diễn ra vào tháng 2 ở biên giới với Pakistan.
Quyết định mua 240 tên lửa chống tăng Spike được đưa ra trong Hội nghị Chỉ huy Quân đội hai năm một lần tại New Delhi diễn ra trong năm ngày và kết thúc hôm 13-4, trang tin IHS Jane cho biết.
Tên lửa chống tăng dẫn đường Spike. Ảnh: SPUTNIK
Theo một điều khoản khẩn cấp đặc biệt, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Ấn Độ, Trung tướng Devraj Anbu có quyền duyệt chi 71,8 triệu USD để mua vũ khí mà không cần sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng và ông đã sử dụng ngân sách này để mua tên lửa chống tăng dẫn đường sau diễn biến căng thẳng với Pakistan hồi đầu năm nay.
Hiện chưa rõ chi phí của thỏa thuận là bao nhiêu, nhưng các nguồn tin nói với tạp chí kinh doanh Globes của Israel rằng nó có giá "hàng chục triệu USD". Nhà thầu quốc phòng Rafael không bình luận về thỏa thuận này.
Mặc dù Ấn Độ đã từng thông qua một thỏa thuận sẽ chế tạo tên lửa chống tăng tầm trung Spike nhưng quân đội vẫn quan tâm đến việc có ngay một số hệ thống vũ khí để thử nghiệm trong mùa hè này.
Năm 2011, New Delhi đã quyết định chi 500 triệu USD để mua hàng ngàn tên lửa Spike. Nhưng do sự bất đồng giữa Bộ Quốc phòng Ấn Độ và Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ mà thương vụ này bị hoãn cho tới tháng 11-2017.
Theo tạp chí The Diplomat, một thỏa thuận khác vẫn đang được triển khai để Ấn Độ mua 2.500 tên lửa Spike như một biện pháp ngăn chặn cho đến khi các lửa chống tăng có thể cầm tay (MPATGM) NAG-190 do nước này nghiên cứu và sản xuất đi vào hoạt động đầy đủ. Tuy nhiên, thỏa thuận đó vẫn chưa được hoàn tất.
Cũng theo The Diplomat, ngày 31-1, Hội đồng Mua sắm Quốc phòng Ấn Độ đã duyệt mua 5.000 tên lửa chống tăng dẫn hướng thế hệ hai MILAN do Pháp sản xuất.
Spike là một vũ khí đa năng có thể được phóng từ đất liền, trên biển hoặc thậm chí từ máy bay trực thăng, và có chế độ khóa mục tiêu trước khi bắn. Spike có tầm bắn 4 km, và nó đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh như FGM-148 Javelin của Mỹ do nhà thầu quốc phòng Raytheon và Lockheed Martin hợp tác sản xuất.