Không quân Ấn Độ đang xem xét lại việc mua 30 máy bay không người lái (UAV) do Mỹ sản xuất trị giá 6 tỉ USD sau khi một chiếc UAV trinh sát Global Hawk của Mỹ bị Iran bắn rơi ở Vịnh Ba Tư tháng trước, tờ Hindustan Times dẫn các nguồn tin quân sự giấu tên ngày 28-7 cho biết.
Theo các nguồn tin, Không quân Ấn Độ hiện đặc biệt lo ngại về tính hiệu quả và khả năng sống sót của máy bay không người lái Mỹ tại những không phận bất ổn dọc biên giới Ấn Độ với Pakistan và Trung Quốc khi cả hai quốc gia này đều được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) hiện đại.
Chiếc UAV trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK
Trong bối cảnh này, một trong số các nguồn tin trên chỉ ra thực tế rằng quân đội Mỹ đã sử dụng UAV của mình thành công ở Afghanistan, Pakistan, Iraq và Syria.
Về phía Pakistan, đây là “quốc gia duy nhất có khả năng chống đối nhưng cũng phải suy nghĩ 100 lần trước khi quyết định bắn hạ một máy bay người lái của Mỹ bằng hệ thống tên lửa đất đối không hoặc một tên lửa không đối không tầm xa”, theo các nguồn tin.
Ngoài nghi ngờ về tính hiệu quả của những chiếc UAV này, Không quân Ấn Độ cũng đưa ra bàn cân mức giá đắt đỏ của những máy bay không người lái của Mỹ so với những tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất mà quân đội Ấn Độ cũng lên kế hoạch mua.
Ngày 20-6, Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố bắn rơi một máy bay không người lái trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ đang bay trên không phận tỉnh Hormuzgan của Iran.
Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ lại nói chiếc RQ-4 bị bắn khi đang hoạt động trong vùng biển quốc tế ở eo biển Hormuz. Vụ việc đã làm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và Iran thêm phần trầm trọng.