Hai lực lượng Không quân Liên Xô và Không quân Mỹ coi nhau là đối thủ trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nhưng điều này cũng đưa đến sự tôn trọng đối với sức mạnh và công nghệ quân sự độc đáo của mỗi bên.
Một số chiến đấu cơ của Liên Xô xuất hiện trong thời gian đó vẫn còn được đánh giá cao và có ảnh hưởng đến các thế hệ máy bay ngày nay, đồng thời nhận được lời khen ngợi từ phương Tây.
Theo Sputnik, các chiến đấu cơ Nga đã một lần nữa “cướp ánh đèn sân khấu” trên truyền thông Mỹ trong tuần qua khi chuyên san quân sự The National Interest điểm danh những máy bay ném bom nguy hiểm nhất được Nga chế tạo.
Tờ The National Interest đã ca ngợi bốn máy bay trong danh sách, bao gồm Tu-95 "Bear", Tu-22M "Backfire" và Tu-160 "Blackjack" cũng như dự án Tupolev PAK DA đang được Nga phát triển.
Theo đánh giá của The National Interest, máy bay ném bom PAK DA khi ra mắt sẽ thay thế cả máy bay siêu thanh Tu-160 và Tu-95 trước đó. Mẫu máy bay này sẽ được thiết kế hoàn toàn ở Nga nhưng hiện tại vẫn chưa có phiên bản thử nghiệm nào được ra mắt.
Theo National Interest, hầu hết trang thiết bị quân sự trong kho vũ khí của Nga ngày nay là tài sản kế thừa từ thời Liên Xô. Các máy bay ném bom của Nga cũng không ngoại lệ. Mặc dù một số khung máy bay trong kho vũ khí của Nga khá cũ, song chúng vẫn còn hoạt động tốt nhờ nâng cấp khung máy bay, hệ thống điện tử và radar cùng với các cải thiện về tên lửa tấn công và đạn dẫn đường chính xác.
“Gấu hạt nhân” Tu-95
Năm 1950, Tổng công trình sư hàng không tài ba thời Liên Xô Andrei Tupolev được giao nhiệm vụ thiết kế máy bay ném bom hạng năng tầm xa mới của Liên Xô Tu-95. Tu-95 có khả năng mang 11 tấn vũ khí với tầm hoạt động hơn 8.000 km. Do đó, Tu-95 đặt ra đe dọa đáng kể cho các mục tiêu quan trọng ở Mỹ.
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga. Ảnh: SPUTNIK
Tu-95 sử dụng động cơ tuabin mạnh nhất từng được thiết kế NK-12. Mặc dù các động cơ này vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng gây ra tiếng ồn rất lớn. Tuy vậy, khi những yêu cầu của nhiệm vụ là tải trọng khổng lồ chứ không phải khả năng tàng hình thì Gấu Tu-95 có thể làm tốt công việc đó.
Tu-95 đến nay vẫn được ca ngợi nhờ những nâng cấp liên tục giúp gia tăng đáng kể tuổi thọ phục vụ của khung máy bay và tên lửa hành trình độc lập ngày càng tinh vi. Tu-95 dự kiến hoạt động đến những năm 2040.
Tu-22M “Backfire”
Phiên bản Tu-22M (NATO đặt tên hiệu là Backfire) được phát triển để giải quyết những thiếu sót về thiết kế vốn có trong thiết kế mẹ Tu-22. Tu-22 sử dụng thiết kế kiểu cánh cụp cánh xòe cho phép kết hợp tính năng cất cánh đường băng ngắn, tốc độ bay tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả, duy trì tốc độ cao và khả năng bay thấp.
Máy bay ném bom Tu-22M của Nga. Ảnh: NI
Tu-22M có thể mang một tải trọng bom đáng nể, có thể bay với tốc độ tối đa Mach 1,88. Điều thú vị là Tu-22M có một khẩu pháo tự động nòng đôi cỡ 23 mm ở đuôi được điều khiển từ xa.
Sự ra đời của Tu-22M đầu thập niên 1970 được xem là thời điểm kỳ lạ đối với máy bay ném bom siêu thanh, vì tính ưu việt của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) được công nhận rộng rãi.
Bất chấp những lỗi thời về công nghệ của Tu-22M, những nâng cấp liên tục về radar và hệ thống điện tử, kết hợp các tên lửa không đối đất được cải thiện đã giúp nền tảng Tu-22M không bị lãng quên.
Tu-160 “Blackjack”
Tu-160 là một máy bay “quái vật” thực sự với nhiều cái đầu tiên và lập kỷ lục thế giới đúng như tên của nó. Nhìn bề ngoài Tu-160 tương tự Tu-22M hay Rockwell B-1 Lancer của Mỹ. Tu-160 là máy bay ném bom chiến lược cuối cùng do Liên Xô thiết kế.
Còn được gọi là “Blackjack”, Tu-160 là máy bay ném bom hạng nặng nhất được phục vụ trong bất kỳ quốc gia nào và đạt tốc độ bay cao nhất hơn 2.000 km/giờ. Blackjack có khoang vũ khí lớn cho phép nó mang 40 tấn bom hoặc chở các loại đạn thông thường, chính xác và hạt nhân.
Mô hình nguyên mẫu máy bay ném bom Tu-160M2 của Nga ra mắt tại nhà máy hàng không Gorbunov Kazan. Ảnh: SPUTNIK
Blackjack là máy bay ném bom duy nhất của Liên Xô không có bất kỳ vũ khí phòng thủ nào.
Blackjack là máy bay chiến đấu lớn nhất trên thế giới với trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 275 tấn. Nó có thể di chuyển với khoảng cách hơn 12.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Khoảng cách kỷ lục mà Tu-160 bay được là 18.000 km trong hơn 24 giờ trên không.
Một lần nữa, những nâng cấp về radar và khả năng nhắm mục tiêu cùng sự tái khởi động sản xuất khung máy bay trong năm 2019 giúp Tu-160 có tầm ảnh hưởng trong nhiều năm nữa.
Tupolev PAK DA
Mặc dù đang trong quá trình phát triển, PAK DA chắc chắn sẽ là máy bay ném bom nguy hiểm nhất của Nga. Một khi được trình làng, PAK DA cuối cùng sẽ thay thế cả máy bay ném bom siêu thanh Tu-160 và Tu-95 trước đó.
PAK DA thực chất là máy bay ném bom tàng hình tầm xa thế hệ mới, tương tự oanh tạc cơ B-2 Spirit do nhà thầu Northrop Grumman của Mỹ sản xuất.
Giống B-2, PAK DA có thể sẽ có thiết kế “flying wing”, tức là máy bay có thân cánh liền khối, hay máy bay không đuôi, dù rằng thông tin này mới chỉ được biết qua “quảng cáo”.
PAK DA sẽ là máy bay ném bom đầu tiên thực sự của Nga chứ không phải là thiết kế của Liên Xô hay được cải tiến từ chúng.
Hiện tại không có nguyên mẫu nào của PAK DA được biết đến. Đây sẽ là máy bay ném bom đầu tiên thực sự của Nga chứ không phải là thiết kế của Liên Xô hay được cải tiến từ chúng.
Chuyến bay nguyên mẫu PAK DA đầu tiên đã bị trì hoãn từ năm 2019 cho tới khoảng thời gian 2021-2023. Như đã chỉ ra trước đó, các phiên bản nâng cấp của Tu-160 đang thực hiện các chuyến bay thử nghiệm, vì vậy có thể sẽ phải một thời gian nữa oanh tạc cơ tàng hình thứ thiệt đầu tiên của Nga mới được tiết lộ.