Hãng TASS đưa tin ông Sergei Chemezov, Tổng giám đốc Tập đoàn Rostec của Nga, phát biểu trước báo giới hôm 18-2 rằng Nga sẽ sản xuất và chuyển bù cho Trung Quốc số tên lửa phòng không S-400 bị hỏng do bão ở eo biển Manche cách đây một năm.
Tổ hợp phòng không S-400 của Nga. Ảnh: TASS
"Hợp đồng đã được ký từ rất lâu. Đáng lẽ chúng tôi đã bàn giao xong các tổ hợp S-400, nhưng không may sự cố xảy ra khi con tàu chở số tên lửa này gặp bão và chúng tôi buộc phải hủy toàn bộ chúng và sản xuất cái mới thay thế", ông Sergey Chemezov nói tại cuộc triển lãm quốc phòng Idex-2019 được tổ chức ở Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ông Chemezov đề cập lô hàng đầu tiên trong hợp đồng mua tổ hợp tên lửa S-400 mà Nga ký với Trung Quốc từ năm 2014. Nga đã chuyển các hệ thống S-400 đến Trung Quốc bằng ba tàu biển.
Tuy nhiên, một trong số tàu chở thiết bị này gặp bão lớn khi qua eo biển Manche hồi tháng 1-2018. Hệ thống giá đỡ hàng không chống chịu được rung lắc lớn khi tàu gặp bão khiến một số thiết bị hư hại, buộc tàu phải quay lại nơi xuất phát. Đến tháng 4-2018, hai con tàu còn lại đã cập bến tại Trung Quốc.
Việc ký kết hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không S-400 giữa Nga và Trung Quốc trị giá hơn 3 tỉ USD được thông báo hồi tháng 11-2014. Với hợp đồng này, Trung Quốc là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua S-400 của Nga.
Hồi tháng 11-2015, cố vấn của Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật-quân sự, ông Vladimir Kozhin đã xác nhận hợp đồng trên. Vào tháng 6-2016, ông Chemezov cho biết quân đội Trung Quốc sẽ sở hữu S-400 sớm nhất là vào năm 2018.
Sau khi được Nga bàn giao tổ hợp S-400 hoàn chỉnh đầu tiên vào tháng 5-2018, Trung Quốc lần đầu phóng thử S-400 hồi tháng 12 năm ngoái.
S-400 Triumf là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung mới được nước Nga sử dụng năm 2007. Chúng được thiết kế để phá hủy máy bay, tên lửa hành trình và đạn đạo, và có khả năng tấn công các cơ sở trên đất liền.
S-400 có thể hạ gục các mục tiêu khoảng cách lên tới 400km và độ cao tối đa 30km, thậm chí ngay cả khi lực lượng đối địch tung ra hỏa lực mạnh mẽ và biện pháp tác chiến điện tử.