Pakistan hé lộ tên lửa có thể đánh bại S-400 của Nga

Tháng trước, Pakistan đã tiến hành hai vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Nasr/Hatf-IX. Pakistan tự hào tên lửa này có khả năng mang vũ khí hạt nhân, có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tốt nhất của Ấn Độ, trong đó có tổ hợp S-400 mà New Delhi mới mua từ Nga.

Với thông tin chúng được thiết kế để triển khai ra tiền tuyến, các chuyên gia lo sợ rằng Nasr sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Pakistan vừa tiến hành hai cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Nasr. Ảnh: SPUTNIK

Sputnik trước đó đưa tin quân đội Pakistan đã bổ sung tên lửa Nasr vào kho vũ khí nước này hồi năm 2017. Truyền thông Pakistan mô tả Nasr là hệ thống vũ khí "bắn và chạy" có độ chính xác cao và có khả năng cơ động trong hành trình bay.

Hệ thống tên lửa Nasr có tầm bắn 70 km và được thiết kế để đối phó với học thuyết "Cold Start" (tạm dịch: Khởi đầu lạnh) của Ấn Độ. Cold Start là tên gọi một chiến lược chiến tranh hạn chế được thiết kế để chiếm đóng lãnh thổ của Pakistan một cách nhanh chóng mà không gây ra rủi ro xung đột hạt nhân về mặt lý thuyết. 

Trong năm 2012, Bộ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định "Ấn Độ không theo học thuyết Cold Start". Tuyên bố này được đưa ra sau một loạt cuộc tập trận năm 2011, thời điểm quân đội Ấn Độ cắt giảm đáng kể thời gian huy động quân đến mặt trận phía Tây (từ 27 ngày xuống chỉ còn 48 giờ đồng hồ), theo báo cáo của tờ Daily News Analysis Ấn Độ thời điểm đó.

Sau đó, trả lời phỏng vấn tờ India Today năm 2017, Tư lệnh lục quân Ấn Độ Bipin Rawat đã thừa nhận sự tồn tại của kế hoạch Cold Start khi cho biết "Học thuyết Cold Start được áp dụng cho các chiến dịch quân sự thông thường".

"Chúng ta đều biết rằng các cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ ngắn ngày nhưng quyết liệt, và khi hai yếu tố này trở thành hình thái tác chiến tương lai thì bạn cần phải chuẩn bị để di chuyển nhanh chóng hơn" - ông Rawat lưu ý.

Sự cơ động, tầm bắn, tốc độ bắn nhanh và mức độ chính xác của tên lửa Nasr là lời đáp trả của Pakistan đối với học thuyết Cold Start. Hai cuộc thử nghiệm với mẫu tên lửa này đã được tiến hành vào ngày 28-1 và 31-1. Truyền thông Pakistan khẳng định, Nasr có khả năng đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ hiện hành hoặc đang phát triển/đang có kế hoạch mua của nước láng giềng (Ấn Độ).

Ấn Độ phóng thử tên lửa Prahaar ở ngoài khơi bờ biển Odisha. Ảnh: EPS

S-400 Triumf là hệ thống phòng không mà Ấn Độ mới mua từ Nga trong khuôn khổ hợp đồng trị giá 5 tỉ USD. Tháng trước, Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, S-400 sẽ được chuyển giao cho quốc gia Nam Á này vào tháng 10-2020 mà "không có bất cứ sự trì hoãn nào".

Hệ thống tên lửa của Nga có thể bám bắt nhiều mục tiêu ở khoảng cách lên tới 400km.

Ngoài S-400, hồi tháng 9-2018, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ đã thử nghiệm tên lửa Prahaar, được thiết kế để đối phó với hệ thống Nasr của Pakistan.

Prahaar có tầm bắn 150 km, gấp đôi Nasr nhưng chỉ mang vũ khí thông thường. Ngược lại, Nasr có thể gắn đầu đạn hạt nhân.

Các nhà quan sát nhận định điều này khiến cho Nasr trở thành mối lo ngại thực sự. Rajeswari Rajagopalan, cây viết của tờ The Diplomat cho hay: “Những vũ khí như vậy phải được triển khai, việc kiểm soát vũ khí này cần được giao cho các cấp chỉ huy cấp thấp hơn, nhằm làm tăng khả năng sử dụng những vũ khí này mà không cần được lệnh từ bộ chỉ huy trung ương”.

Pakistan không phải là quốc gia duy nhất gây ngạc nhiên với vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp. Mỹ tháng trước đã hoàn tất việc đại tu kho đầu đạn hạt nhân W76, chuẩn bị phát triển đầu đạn hạt nhân W76-2 theo yêu cầu được nêu trong báo cáo Đánh giá chung về tình hình hạt nhân 2018 (Nuclear Posture Review).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm