Nga tiến hành hoạt động tàu ngầm lớn nhất ở Đại Tây Dương

Từ tuần trước, các tàu ngầm Nga đã được điều đến căn cứ trên bán đảo Kola, vùng Murmansk, nằm ở tận cùng phía tây bắc của nước này, đài truyền hình nhà nước Na Uy NRK dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo nước này.

Đây là hoạt động quân sự lớn nhất, tính theo số lượng trang bị được huy động trong cùng lúc mà Nga đã thực hiện kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Hình ảnh từ vụ phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Nga ngày 24-8. Ảnh: SPUTNIK

Nguồn tin cho biết các tàu ngầm Nga đang cố gắng thâm nhập sâu vào vùng biển Đại Tây Dương mà không bị phát hiện.

"Hiện nay, có nhiều hoạt động ở bắc Đại Tây Dương. Na Uy đang phối hợp cùng các quốc gia NATO sử dụng các lực lượng trên bộ và trên không để theo dõi những hoạt động này" - ông Brynjar Stordal, người phát ngôn lực lượng vũ trang Na Uy, tuyên bố. 

Trong số những tàu được triển khai lần này, có ít nhất tám tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhóm tàu ngầm này được coi là một phần nòng cốt trong lực lượng hải quân Nga.

Nguồn tin chỉ ra chiến dịch được lên kế hoạch sẽ diễn ra trong hai tháng nhằm thể hiện cho Washington thấy rằng Moscow vẫn có khả năng đe dọa bờ biển phía đông nước Mỹ.

"Dĩ nhiên họ đang thể hiện khả năng trên cả số lượng và những trang bị mà họ có thể triển khai cùng lúc" - ông Stordal lưu ý.

Tuần trước, các cơ quan truyền thông địa phương đưa tin hai tàu ngầm hạt nhân lớp Sierra đang chuẩn bị "lặn sâu để thử nghiệm một số thiết bị và vũ khí nhất định".

Hai tàu ngầm Nizhny Novgorod và Pskov được trang bị đầu phóng tên lửa hành trình và được thiết kế để phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên không.

Trước đó vào ngày 17-10, trong một cuộc tập trận tên lửa chiến lược thường niên, tàu ngầm Karelia thuộc lớp Delta-IV đã bắn một tên lửa đạn đạo từ khu vực biển Barents.

Việc điều động đơn vị tàu ngầm đến bán đảo Kola diễn ra trong thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây vẫn chưa hạ nhiệt.

Năm ngoái, hải quân hoàng gia Anh và hải quân Na Uy đã mua một phi đội máy bay trinh sát Poseidon P-8 với mục đích được tuyên bố là ngăn chặn các hoạt động tàu ngầm ngày càng gia tăng của Nga trong khu vực.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang mới và cáo buộc Mỹ đang gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và từ chối đàm phán một hiệp định thay thế.

Ngày 2-4 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố rút khỏi INF, cho rằng chính Moscow đã vi phạm hiệp ước này khi phát triển chương trình tên lửa của mình.

Nga đã công bố chi tiết các thông tin về chương trình tên lửa tự phát triển để chứng minh nó không thuộc phạm vi quy định của INF. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.