Đổi chiến thuật bảo vệ tiêm kích, Nga rơi vào thế 'gậy ông đập lưng ông'

(PLO)- Theo chuyên gia, việc một số máy bay chiến đấu của Nga bị Ukraine bắn hạ gần đây có thể là do Nga tăng cường sử dụng bom lượn. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia về chiến tranh trên không nhận định với trang Business Insider rằng các chiến thuật bảo vệ tiêm kích của Nga đang giúp Ukraine có thêm thời gian để bắn hạ chúng.

Đổi chiến thuật bảo vệ tiêm kích, Nga rơi vào thế "gậy ông đập lưng ông"

Kiev tuyên bố đã bắn hạ một loạt máy bay kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022, và tỉ lệ thành công dường như tăng lên trong tháng này.

Hôm 28-2, Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay quân đội nước này đã bắn hạ tiêm kích thứ 10 của Nga chỉ trong 10 ngày.

Tìm cách bảo vệ tiêm kích nhưng Nga vô tình khiến chúng gặp nguy hiểm ở Ukraine
Tiêm kích Su-34 của Bga bị bắn hạ tại TP Chernihiv (Ukraine) hồi tháng 4-2022. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Theo các chuyên gia, thành công gần đây của Ukraine trong việc bắn hạ tiêm kích Nga có lẽ là do sự thay đổi chiến thuật của Moscow, được triển khai nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Kiev.

Ông Justin Bronk - chuyên gia về Nga và chiến tranh trên không tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI - nghiên cứu về an ninh và quốc phòng) nói rằng các chiến đấu cơ của Nga đã không còn được triển khai gần chiến tuyến kể từ tháng 5-2023, sau khi hai tiêm kích và hai trực thăng của nước này bị bắn rơi.

Khoảng cách đó đã tăng thêm trong những tháng gần đây khi Nga dựa vào việc phóng số lượng lớn bom lượn, ông Bronk nói thêm.

Giới phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng máy bay Nga dường như đang mang nhiều bom lượn hơn để tạo ra khoảng cách xa hơn nhằm tránh tổn thất thêm.

Tuy nhiên, theo quan sát của ông Bronk, sự thay đổi chiến thuật trên của Nga có lẽ giải thích vì sao Ukraine dường như bắn hạ được nhiều máy bay hơn, dù ông nhấn mạnh rằng không phải tất cả vụ bắn hạ máy bay gần đây đều được phía Moscow xác nhận.

Để những quả bom lượn có thể di chuyển đủ xa từ một khoảng cách nhất định đòi hỏi phải bay ở độ cao và vận tốc rất lớn. Điều này đồng nghĩa các chiến đấu cơ của Nga phải bay cao hơn, từ đó giúp Ukraine có thêm thời gian để phát hiện và nhắm mục tiêu vào chúng, chuyên gia Bronk nói.

“Điều này sẽ giúp Ukraine có thêm thời gian để đánh chặn khi các chiến đấu cơ của Nga bay ở độ cao lớn hơn” – ông Bronk nhấn mạnh.

Chiến thuật của Nga cũng đồng nghĩa với việc phải sử dụng máy bay chiến đấu thường xuyên hơn, vì vậy Ukraine sẽ có nhiều mục tiêu hơn để nhắm vào, ông Bronk nói.

Chuyên gia về phòng thủ tên lửa Mattias Eken tại Viện nghiên cứu chính sách RAND Corporation (Mỹ) cũng đưa ra đánh giá tương tự.

“Một số máy bay chiến đấu của Nga bị Ukraine bắn hạ gần đây có thể là do Nga tăng cường sử dụng bom lượn” – ông Eken nói với Business Insider.

Theo ông Eken, việc phóng bom lượn nhằm vào các mục tiêu xa ở độ cao lớn đã khiến các máy bay của Nga dễ bị hệ thống phòng không tầm xa của Ukraine tấn công.

Ukraine đối mặt nhiều nguy hiểm hơn

Cho dù như vậy, theo giới quan sát, việc Ukraine gần đây thành công trong việc bắn hạ chiến đấu cơ của Nga vẫn không thể thay đổi cục diện cuộc chiến.

Bom lượn của Nga vẫn tiếp tục gây thiệt hại lớn cho Ukraine, và Nga cũng triển khai nhiều tiêm kích hơn trên bầu trời, điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ đối mặt nhiều nguy hiểm hơn.

Theo ông Eken, những suy đoán cho rằng Nga sẽ nhanh chóng sử dụng hết kho bom lượn của nước này dường như không có cơ sở.

“Có vẻ như Nga sẽ không cạn kiệt bom lượn sớm, dù nước này có thể gặp khó khăn trong việc bổ sung một số loại nhất định” – ông Eken nhận định.

Tìm cách bảo vệ tiêm kích nhưng Nga vô tình khiến chúng gặp nguy hiểm ở Ukraine
Bom lượn FAB-500 M-62 của Nga. Ảnh: THE EURASIAN TIMES

Bom lượn được cho là khó ngăn chặn và giá thành sản xuất rẻ.

Lực lượng phòng không Ukraine đã ngăn cản các chiến đấu cơ của Nga thường xuyên bay vào không phận nước này. Các chuyên gia đánh giá đây là thành tích ấn tượng có thể khiến Nga không thể giành chiến thắng nhanh chóng.

Dù vậy, khả năng của Ukraine trong việc tiếp tục bắn hạ tiêm kích Nga cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Kho tên lửa của Ukraine đang vơi dần, và nếu kho tên lửa của Ukraine ở mức quá thấp thì lực lượng trên không của Nga có thể hoạt động tự do hơn và gây tổn thất lớn hơn cho Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm