Tiêm kích mới 'Chiếu tướng' của Nga là sát thủ của những chiến cơ châu Âu

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới Checkmate (Chiếu tướng) mà Nga ra mắt gần đây được mô tả là “sát thủ” của tiêm kích Gripen (Thụy Điển) và những máy bay chiến đấu khác tương tự như Rafale (Pháp) và Typhoon (các nước châu Âu).

Tiêm kích "Chiếu tướng" của Nga là sát thủ của những chiến cơ

Theo trang tin The EurAsian Times, bình luận về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thụy Điển trong đó nói rằng máy bay chiến đấu JAS 39E/F Gripen có khả năng đối phó các tiêm kích Su-30 và Su-35 của Nga, giới phân tích quân sự nước ngoài đã gọi tiêm kích tàng hình mới Checkmate của Nga là “sát thủ của những chiến đấu cơ”.

Nguyên mẫu máy bay chiến đấu tàng hình mới Checkmate của Nga được trưng bày tại Viện Hàng không và Vũ trụ quốc tế MAKS-2021 ở TP Zhukovsky (ngoại ô thủ đô Moscow, Nga) hôm 20-7. Ảnh: GLOBAL TiMES

Denis Manturov, người đứng đầu Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho hay Checkmate là máy bay chiến đấu thượng đẳng.

Truyền thông phương Tây từng gọi Checkmate là kẻ thù rất nguy hiểm đối với bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào, bao gồm cả máy bay JAS 39E/F Gripen.

“Tiêm kích Checkmate của Nga quá khó đối với bất kỳ máy bay thế hệ thứ tư nào hiện nay, thậm chí còn được cho là sát thủ của máy bay Gripen. Nó thậm chí còn có khả năng đối phó với một kẻ thù như F-35 của Mỹ” – một nhà phân tích Thụy Điển nhận định.

JAS-39 Gripen là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa nhiệm một động cơ, do gã khổng lồ hàng không vũ trụ Saab AB của Thụy Điển thiết kế và sản xuất. Nhanh nhẹn và linh hoạt, JAS-39 Gripen được tích hợp các thiết bị tác chiến điện tử tốt nhất thế giới và được xuất khẩu sang Brazil, Cộng hòa Czech, Hungary, Nam Phi, Thái Lan và Anh.

JAS 39E/F Gripen sử dụng radar xung Doppler, có thể đạt vận tốc tới 2.450 km/giờ và có thể mang theo tải trọng vũ khí hơn. Tiêm kích Thụy Điển có thể mang hầu hết mọi vũ khí đang phục vụ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bao gồm các biến thể tên lửa tầm nhiệt AIM-9, tên lửa dẫn đường không đối không IRIS-T, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120, tên lửa không chiến ngoài tầm nhìn Meteor, tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick cùng nhiều loại tên lửa không đối đất và không đối không khác.

Tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Ảnh: WIKIPEDIA

Trong khi đó, Checkmate được cho sở hữu nhiều tính năng hiện đại. Một phiên bản không người lái của tiêm kích này cũng đang được thảo luận, theo các quan chức Nga.

Vai trò chính của Checkmate ban đầu sẽ là chiến đấu trên không, sau đó là các khả năng thích ứng để tấn công mặt đất, chống hạm và trinh sát. Máy bay sẽ có năm khoang vũ khí bên trong và có thể mang tải trọng vũ khí tối đa 7,5 tấn. Tốc độ tối đa đạt được là 2.205 km/giờ và phạm vi hoạt động là 3.000 km.

“Những gì chúng ta nhìn thấy bây giờ tại rõ ràng chứng minh rằng hàng không Nga có tiềm năng phát triển lớn. Ngành công nghiệp chế tạo máy bay của chúng tôi tiếp tục tạo ra các thiết bị hàng không mới mang tính cạnh tranh” – Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại lễ ra mắt Checkmate trong khuôn khổ cuộc triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2021.

Checkmate có thể không được đặt tên Su-75 như đồn đoán

Theo trang tin Defense World, chiếc Checkmate được giới thiệu tại MAKS 2021 nhiều khả năng không được định danh là Su-75 theo như số 75 được nhìn thấy trên mô hình hoặc nguyên mẫu máy bay.

Truyền thông phương Tây đã đồn đoán rằng chiếc Checkmate thực sự được định danh là Su-75. Tuy nhiên, nguồn tin riêng của Defense World tiết lộ rằng số “75” được nhìn thấy trên thân máy bay chẳng qua chỉ là ký hiệu đặt cho máy bay đang trong quá trình phát triển, giống như những nguyên mẫu trước đây của Nga.

Checkmate có thể không được đặt tên Su-75 như đồn đoán. Ảnh: Vladimir Karnozov/FlightGlobal

“Nếu số 75 được sơn bên sườn máy bay là tên định danh thực sự của nó thì Tổng công ty hàng không vũ trụ Nga United Aircraft Corporation (UAC) sẽ gọi nó bằng tên thật là Su-75. Tuy nhiên, số 75 cho thấy có thể đây là một nguyên mẫu chứ không phải mô hình, nguồn tin cho biết.

Ví dụ, khi máy bay chiến đầu tàng hình đầu tiên của Nga ra mắt tại MAKS 2011, số 52 được sơn trên thân trước và số 075 được sơn ở phía đuôi máy bay. Máy bay sau đó được gọi là PAK-FA nhưng rồi lại đổi thành T-50.

Các nguyên mẫu T-50 kế tiếp lại lần lượt được hiển thị các số 53, 54 và 55. Cuối cùng, đến năm 2017 nó được định danh là Su-57. Vì thế, giống như PAK-FA, tiêm kích mới Checkmate có thể chỉ là tên gọi trong giai đoạn phát triển. Sau này, nó có thể được Tập đoàn Sukhoi đặt tên là Su-XX.

Điều thú vị là tên gọi Su-57 được cộng từ hai số 35 và 22 (tức tiêm kích F-35 và F-22 của Mỹ), theo các quan chức UAC. Cũng theo những người này, tên gọi này ám chỉ Su-57 thực sự là chiến cơ hội tụ khả năng của hai tiêm kích hàng đầu do Mỹ chế tạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm