Thông tin trên được Tổng Tư lệnh Hải quân Nga Nikolai Evmenov tiết lộ với hãng tinTASS (Nga) hôm 10-7.
Trước đó nhiều nguồn tin giấu tên có liên quan trong ngành công nghiệp đóng tàu nước này cũng đã xác nhận việc khởi công đóng tàu sân bay hạt nhân mới nhiều khả năng sẽ đợi đến ít nhất là 10 năm sau. Thời điểm sớm nhất mà con tàu này có thể được Hải quân Nga đưa vào biên chế ước đoán là vào đầu năm 2030.
Mô hình tàu Lamantin. Ảnh: TASS
TASS cho biết Cục thiết kế Nevskoye (thành viên của Tập đoàn Đóng tàu thống nhất Nga) đã công bố thiết kế của tàu sân bay hạt nhân này với tên gọi Project 11430E ‘Lamantin’. Mô hình của con tàu đã được mang ra trưng bày tại Triển lãm Hải quân Quốc tế ở TP St. Petersburg diễn ra từ ngày 10-7 đến 14-7.
Theo tài liệu mà Cục thiết kế Nevskoye trình bày tại triển lãm, con tàu sân bay mới của Nga sẽ có hệ thống động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân. Số lượng thủy thủ đoàn dự kiến sẽ là 2.800 người (ít hơn nhiều so với các tàu sân bay Mỹ). Ngoài 2.800 thủy thủ, Lamantin còn có thể mang theo 800 lính không quân. Dự kiến vòng đời của tàu là 50 năm.
Tuy nhiên, việc con tàu có thể được hoàn thành hay không là một câu hỏi hoàn toàn khác.
Hải quân Nga hiện sở hữu tàu ngầm hạt nhân, nhưng chưa từng có tàu sân bay hạt nhân trong hạm đội. Trong giai đoạn cuối Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo tàu sân bay hạt nhân mang tên Ulyanovsk, nhưng dự án phải hủy bỏ vì các biến động chính trị.
Trang tin Business Insider cho biết tàu sân bay hạt nhân mới được kỳ vọng sẽ thay thế tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũ hay hỏng hóc. Hiện Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay chủ lực duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga.
Hồi tháng 10-2018, tàu Đô đốc Kuznetsov bị hư hại nghiêm trọng trong lúc đang được đưa vào ụ nổi PD-50 để sửa chữa. Theo đó, PD-50 bất ngờ bị nghiêng sang một góc nguy hiểm khi nước tràn vào các bể chứa. Một trong hai chiếc cần cẩu 70 tấn trên ụ PD-50 rơi xuống boong tàu Kuznetsov gây thủng.
Theo Business Insider, khả năng sửa chữa các hư hại này của Nga tỏ ra có hạn bởi xưởng sửa chữa đã bị hư hại lớn sau tai nạn. Nhiều ý kiến cho rằng thà bỏ con tàu còn hơn sửa chữa tốn kém.