Thái Lan: Dân bi ém thông tin có chỗ kiện

Bộ Tư pháp Việt Nam đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Tiếp cận thông tin, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2010. Hiện nay trên thế giới có khoảng 70 nước đã ban hành luật tương tự. Báo Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Thái Lan ban hành Luật Thông tin chính quyền cách đây 12 năm. Mục đích nhằm cải thiện dịch vụ công, hướng tới xã hội thông tin, xã hội mở. Nguyên tắc cơ bản là bảo đảm cho người dân quyền được biết đầy đủ thông tin từ nhà nước.

Luật quy định gì?

Cơ quan nhà nước phải công bố trên công báo thông tin liên quan đến bộ máy hoạt động, quyền hạn và nghĩa vụ của cơ quan nhà nước, địa chỉ liên lạc, các nghị quyết, quy định, thông tư, sắc lệnh, chính sách và các văn bản dưới luật...

Chẳng những cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin nêu trên mà còn phải cung cấp khi người dân yêu cầu về thông tin không thuộc nội dung đăng công báo, thông tin có liên quan đến một quyết định tác động trực tiếp đến cá nhân, kế hoạch công tác, dự án hay dự toán chi tiêu hàng năm, hợp đồng cung cấp dịch vụ công... Người dân có quyền kiểm tra và yêu cầu cung cấp bản sao thông tin, xin tư vấn thông tin, yêu cầu sửa đổi, thay đổi thông tin cá nhân nếu có sai sót và có quyền khiếu nại nếu không được cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, có những thông tin không được tiết lộ gồm thông tin gây nguy hại đến Hoàng gia, an ninh quốc gia, an ninh kinh tế, quan hệ quốc tế; thông tin có thể dẫn đến việc thực thi pháp luật kém hiệu quả, gây nguy hại đến mạng sống và an toàn của người khác, ảnh hưởng đến quyền riêng tư và thông tin mà các quy định pháp luật cấm tiết lộ.

Nếu bị từ chối cung cấp thông tin được phép phổ biến, người dân khiếu nại lên Ủy ban Thông tin chính quyền. Ủy ban có quyền triệu tập bất cứ người nào để lấy lời khai hoặc thu thập tài liệu. Nếu đó là thông tin không được phép phổ biến, người dân vẫn có thể khiếu nại lên Hội đồng Phân xử công bố thông tin.

Có nhiều hội đồng thuộc nhiều lĩnh vực như Hội đồng Phân xử công bố thông tin xã hội, Hội đồng Phân xử công bố thông tin tài chính và kinh tế quốc gia, Hội đồng Phân xử công bố thông tin về an ninh quốc gia và đối ngoại... Các cơ quan này cũng làm việc độc lập với thành phần do nội các bổ nhiệm theo đề xuất của Ủy ban Thông tin chính quyền.

Đưa luật vào cuộc sống

Trong hai năm đầu thực hiện Luật Thông tin chính quyền, có nhiều sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi lề lối làm việc của công chức. Chẳng hạn năm 1999, báo chí đề nghị Ủy ban Chống tham nhũng công bố báo cáo điều tra tham nhũng ở Bộ Y tế. Ủy ban từ chối với lý do phải bảo vệ tên tuổi nhân chứng và bảo đảm thực thi pháp luật có hiệu quả.

Các nhà báo đã kiện lên Hội đồng Phân xử về công bố thông tin xã hội. Sau đó, hội đồng này tuyên bố Ủy ban Chống tham nhũng phải công bố báo cáo điều tra vì những lý do sau đây: Vụ điều tra đã kết thúc, các quan chức có liên quan đã bị khởi tố hình sự và vụ án có liên quan đến quyền lợi công chúng.

Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện luật, vẫn còn nhiều người dân chưa nắm rõ luật và không nhận thức được quyền được biết của họ. Nhiều công chức cấp cao cũng chưa hiểu luật và chưa biết vận dụng luật nên không ít cơ quan nhà nước xem luật như gánh nặng phải làm.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2000, Ủy ban Thông tin chính quyền đã ban hành các chủ trương chiến lược đối với cơ quan nhà nước như sau:

- Phải tập huấn kiến thức về Luật Thông tin chính quyền, đồng thời phải thay đổi thái độ và nâng cao kỹ năng thực thi luật.

- Mở các cuộc vận động phổ biến luật cho dân.

- Tập huấn cho các phương tiện truyền thông để phổ biến luật tích cực hơn cho dân.

- Cải cách công tác quản lý tài liệu bằng cách phân loại thông tin.

- Mỗi năm hai lần báo cáo việc thực hiện luật cho Ủy ban Thông tin chính quyền.

Tại Thái Lan, trước khi có luật, cơ quan nhà nước thường giữ mật thông tin để sử dụng trong nội bộ. Công chức nghĩ rằng thông tin nhà nước thì thuộc về chính quyền chứ không phải thuộc về dân. Khi đã có luật, cơ quan nhà nước bao gồm chính quyền các cấp, công ty nhà nước, Quốc hội, tòa án, tổ chức giám sát nghề nghiệp, cơ quan độc lập của nhà nước đều phải có nghĩa vụ công bố thông tin cho dân biết.

LÊ LINH (Theo oic.go.thai)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm