Thái Lan: Phản đối chính phủ định mở sòng bạc

Quá nhiều tranh cãi

Báo The Nation của Thái Lan ngày 9-3 đưa tin: Theo kết quả khảo sát ý kiến của 2.726 người ở 18 tỉnh và thành phố Thái Lan do Đại học Assumption tổ chức hồi đầu tháng 3, 56,4% số người tham gia khảo sát đã dứt khoát nói không với chủ trương cho mở sòng bạc hợp pháp.

Trước đó mấy ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Surapong Suebwonglee cũng đã quyết định tạm gác lại vấn đề hợp pháp hóa hoạt động đánh bạc do làn sóng phản đối dữ dội trong nước, từ các nhà lập pháp cho đến người dân.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, chính phủ cần thêm ít nhất một năm nữa để nghiên cứu cẩn trọng hơn và không có gì vội vã khi phải quyết định một vấn đề đang gây quá nhiều tranh cãi.

Từ trước đến nay, nhiều quan chức đã từng đưa vấn đề cho tổ chức đánh bạc hợp pháp ra thảo luận nhưng lần nào vấn đề này cũng bị chỉ trích. Mới đây, Thủ tướng Samak Sundaravej đã bị đả kích khi tuyên bố sẽ cho phép xây dựng các sòng bạc tại năm thành phố du lịch chính là Pattaya, Phuket, Khon Kaen, Chiang Mai và Hat Yai.

Cách đây năm năm, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã có ý tưởng thành lập một khu phức hợp giải trí có tổ chức trò chơi ăn tiền tại thành phố du lịch Chonburi, cách thủ đô Bangkok khoảng 80 km. Ý tưởng ấy đã nhanh chóng bị phê phán và cuối cùng buộc phải xếp vào ngăn kéo.

Lợi từ đâu?

Các quan chức chính phủ thường đưa ra lý lẽ cho rằng đánh bạc là loại hình kinh doanh đặc biệt, sẽ trở thành cú hích thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch; hoặc đánh bạc là cách thức thu ngân sách nhanh chóng và dễ dàng từ du khách giàu có.

Tuy nhiên, các ý kiến chỉ trích cho rằng chính phủ đã không tính hết mặt trái của loại hình đánh bạc đối với đời sống kinh tế-xã hội Thái Lan.

Nhiều người cho rằng khi xem xét cho phép hoạt động cờ bạc hoạt động hợp pháp, chính phủ chỉ dựa trên cơ sở quan điểm kinh doanh thuần túy mà không chú ý tới khía cạnh đạo đức. Phần lớn người dân sẽ không được hưởng lợi gì ngoài nguy cơ bị tán gia bại sản.

Theo thượng nghị sĩ Somchai Sawaengkarn, đối với các nước đang phát triển mở sòng bạc, các nhà đầu tư vào sòng bạc không phải là doanh nghiệp trong nước mà thường là các ông chủ nước ngoài đến từ Macau, Las Vegas (Mỹ) hay Malaysia.

Do đó, nếu cấp phép cho họ đầu tư thì chẳng khác nào mở toang cửa cho người nước ngoài và doanh nghiệp trong nước sẽ mất nguồn lợi.

Phải trưng cầu dân ý

Ông Chuwit Kamolvisit là người từng mở tiệm mát-xa. Ông thẳng thừng nói: Singapore, Malaysia và Anh có luật lệ và thủ tục rất chặt chẽ để có thể kiểm soát và bảo vệ người chơi bạc.

Còn tại Thái Lan, sòng bạc nếu được phép mở chắc chắn cũng sẽ giống như khu đánh bạc Poipet ở Campuchia, nơi các con bạc thiếu nợ có thể sẽ không có đường về nhà hoặc luôn sống trong nỗi lo sợ có thể bị giết bất cứ lúc nào.

Đã có nhiều ý kiến nhận xét đây là vấn đề hệ trọng và chính phủ không thể tự quyết định mà phải mở cuộc trưng cầu dân ý.

Thượng nghị sĩ Prasobsook Boondech, nguyên chánh án tòa phúc thẩm, cho biết: Một khi chính phủ muốn điều chỉnh các văn bản, quy định pháp luật để hợp pháp hóa sòng bạc, lúc đó chắc chắn Thượng viện sẽ tổ chức thu thập ý kiến từ các phía rồi mới quyết định bỏ phiếu biểu quyết.

Ông Veera Somkhwamkid, Tổng Thư ký tổ chức Mạng lưới Chống tham những nhân dân, khẳng định sẽ mở chiến dịch vận động người dân chống lại chủ trương cho phép đánh bạc của chính phủ.

Ông cho biết đã từng nghe nói đến chuyện vài nhà chính trị Thái Lan có phần hùn trong sòng bạc tại các nước láng giềng và một số nhà chính trị khác thì thường xuyên đến những nơi ấy để sát phạt.

Kết quả khảo sát do Đại học Assumption tổ chức hồi đầu tháng 3 phản ánh các ý kiến như sau:

- Cờ bạc không phải là một phần của nền văn hóa Thái Lan.

- Trình độ dân trí của một bộ phận dân cư còn thấp, chưa thể nhận thức hết các mặt lợi hại của trò cá cược, đặc biệt đối với thanh thiếu niên.

- Nếu mở sòng bạc, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ nguồn thu để không bị tổ chức, đảng phái chính trị hay cá nhân nào lợi dụng.

MINH NHỰT (Theo The Nation, Bangkok Post)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm