Ra tòa đòi lại tiền 'chạy' vào ngành công an

Ngày 28-11, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ vụ Nguyễn Bá Phước lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xét xử phúc thẩm do kháng cáo của bị hại ĐTTH. Bà H. kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo và yêu cầu tòa tuyên bị cáo trả lại cho bà 137 triệu đồng tiền lừa của bà.

Bị cáo Nguyễn Bá Phước tại tòa ngày 28-11. Ảnh: NN

Sau khi xét xử phúc thẩm, HĐXX cho rằng mức hình phạt 13 năm tù mà cấp sơ thẩm đã tuyên là trên mức khởi điểm của khung hình phạt nên kháng cáo bị hại yêu cầu tăng hình phạt là không có căn cứ. Theo tòa, bị hại đưa 137 triệu đồng cho bị cáo để nhằm mục đích được vào ngành công an, việc đưa tiền này là trái pháp luật. Tòa sơ thẩm tuyên buộc bị cáo nộp lại số tiền này để sung công quỹ là có căn cứ nên kháng cáo của bị hại về việc trả lại số tiền này cũng không được chấp nhận. Từ đó, tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị hại ĐTTH, phạt bị cáo Phước 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bị cáo nộp lại số tiền 137 triệu đồng để sung quỹ nhà nước. 

Theo hồ sơ, Phước không có nghề nghiệp ổn định. Từ năm 2014 đến 2017, do không có tiền tiêu xài nên Phước nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Phước nói dối mình là thạc sĩ, giảng viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, quen biết nhiều người có chức vụ trong ngành công an, có thể xin vào biên chế ngành này, xin được biển số ô tô đẹp. Ngoài ra, Phước còn thuê hai ô tô rồi mang đi thế chấp để chiếm đoạt tiền.

Điển hình như khoảng đầu tháng 9-2014, thông qua bạn gái, chị ĐTTH tin rằng Phước có khả năng xin được vào biên chế ngành công an với giá 300 triệu đồng. Chị H. đi với bạn gái trên và một người tên Tuấn (chưa rõ lai lịch) đến một quán cà phê ở huyện Phong Điền để gặp Phước.

Tại đây, Phước nói sẽ xin cho chị H. vào biên chế nhưng phải đưa trước 150 triệu đồng, khi có quyết định tạm tuyển sẽ đưa đủ số tiền còn lại. Chị H. đồng ý đưa cho Phước 150 triệu đồng, có viết biên nhận nhận tiền. Sau khi nhận tiền, Phước lánh mặt. Do chị H. liên tục đòi tiền, Phước đưa cho chị này một giấy chủ quyền đất, nói dối là giấy của chị mình để làm tin rồi bỏ trốn.

Ngoài ra, Phước còn lừa xin biển số ô tô đẹp để chiếm đoạt tiền. Theo đó, anh NTĐ muốn xin biển số 65A-139.79 được Phước ra giá 110 triệu đồng…

Cáo trạng quy kết Phước đã lừa tổng cộng năm vụ, hai vụ xin vào ngành công an, hai vụ thuê xe mang thế chấp và một vụ làm biển số xe, chiếm đoạt gần 1,2 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm