Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn

Tình trạng hồ sơ giả xuất hiện ở các cơ quan công chứng nay đã đến mức đáng báo động trở thành “cuộc chiến” giữa công chứng viên (CCV) và những đối tượng cố ý gian dối. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm về giấy tờ giả qua công chứng do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức vào ngày 24-4.

Tham dự tọa đàm có đại diện cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP.HCM, đại diện Sở Tư pháp TP.HCM, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM và một số tổ chức hành nghề công chứng. Đáng tiếc là Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM do lãnh đạo bận công tác nên đã không thể đến theo thư mời.

Trách nhiệm của CCV?

Tại buổi tọa đàm, các CCV nói rằng trách nhiệm của CCV trong việc phát hiện giấy tờ giả hiện rất mông lung. Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6 TP.HCM, phản ánh: “Công chứng phải hồ sơ giả có thể nói là do tai nạn nghề nghiệp chứ không CCV nào lại tự thắt nút đeo vô cổ mình. Có những trường hợp giả không tài nào phát hiện được. Một số trường hợp phát hiện do tình cờ nghi vấn một chỉ tiết nào đó, qua hỏi chuyện mới biết. Chẳng hạn, gặp một trường hợp mua bán đất ở Củ Chi, tôi hỏi bên bán: “Đất của anh bao nhiêu mét thổ cư, bao nhiêu vườn?”, ông ta không trả lời được. Tôi nói bên mua xác minh thêm. Người mua tìm đến tận nơi thì mới biết giấy tờ đất là thật, do chủ đất đưa cho “cò” nhờ hợp thức hóa biệt thự mới xây. “Cò” lại dùng giấy để đi bán…”.

Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng Công chứng số 2 TP.HCM, phân tích: “Nhiều người nói CCV phải có nghĩa vụ phát hiện giấy giả nhưng theo tôi, đòi hỏi đó cao quá. Khi đã chấp nhận làm nghề thì không có CCV nào dại gì ký ẩu để bị lên báo hoặc bị xử lý. Có những trường hợp giả quá tinh vi, CCV không thể nhận ra”.

Chia sẻ với các ý kiến trên nhưng ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp - Sở Tư pháp TP.HCM, cũng lưu ý: Có nhiều trường hợp do sơ suất hoặc hạn chế về nghiệp vụ nên CCV đã dễ dàng cho qua. “Nhiều giấy giả có con dấu, chữ ký nhìn vào là thấy có vấn đề. Giả như vậy mà không phát hiện nổi thì đó là trách nhiệm của CCV”. Ông Bảy cũng thông tin 22 văn phòng công chứng tại TP.HCM đều đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Riêng các phòng công chứng thì lâu nay không có cơ chế để người bị thiệt hại có thể “bắt đền”. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng không đề cập đến việc bồi thường do lỗi của CCV. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM đang xin ý kiến UBND TP.HCM về việc sẽ mua bảo hiểm cho các phòng công chứng, để bảo vệ quyền lợi của người dân và bảo vệ CCV trong quá trình làm việc.

Rộ giấy tờ giả qua công chứng - Bài 3: Công an lơ là, bọn làm giả nhơn nhơn ảnh 1

Ông Hoàng Xuân Hoan, Trưởng phòng công chứng số 2 TP.HCM phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: HTD

Chỉ lo cắt ngọn, gốc vẫn sinh sôi

Điều khiến các CCV bức xúc là các cơ quan công an không mặn mà vào cuộc những vụ dùng giấy tờ giả với ý định qua một công chứng, lừa người giao dịch. Sau khi cung cấp thông tin, nhiều CCV đã phải lên công an phường làm việc nhiều lần nhưng sau đó công an phường lại cho rằng “chưa xảy ra hậu quả gì” rồi cho đối tượng ra về.

Ông Hoan kể trước đây chỉ từ một vụ làm giả hồ sơ công chứng do Phòng Công chứng số 2 phát hiện mà cơ quan điều tra của Công an TP.HCM triệt được cả một đường dây và thu hồi hàng trăm con dấu giả. Tuy nhiên, ít khi các vụ làm giả được xử lý tới nơi tới chốn như thế. “Ở đâu ra những con dấu, những giấy tờ giả? Cơ quan công an phải lần tìm đến cái gốc rồi cắt, chứ nếu chỉ cắt ngọn thì cái gốc vẫn tiếp tục nhân bản, sản sinh” - các CCV đặt vấn đề.

Chính vì không xử lý triệt để nên bọn làm giả nhơn nhơn không biết sợ. Ông Dương Thái Hoàng, Trưởng Văn phòng Công chứng Củ Chi, kể: Ở ấp 4, xã Bình Mỹ, Củ Chi có bà Đoàn Thị P. “nổi tiếng” vì dùng giấy giả công chứng. Có thời điểm bà này dùng giấy giả đi chứng liên tiếp bốn, năm vụ ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Mặc dù bị phát hiện, báo công an nhưng bà này vẫn bình an. Có lần mới tháng trước bị phát hiện dùng giấy giả, tháng sau bà này lại mang hồ sơ tới. Hỏi thông tin bên công an thì được cho biết: “Đang điều tra”…

Hầu hết trường hợp làm giấy giả đều bị cơ quan công an trả hồ sơ với lý do “là quan hệ dân sự”. Trong khi đó, nếu chỉ phạt hành chính theo Nghị định 60/2009 thì quá nhẹ, có trường hợp nộp phạt mà đối tượng tỉnh bơ: “Tưởng gì, có 2 triệu đồng!”.

Ranh giới xử lý hành chính hay hình sự hiện đang rất mong manh và các cơ quan pháp luật cần xem xét, điều chỉnh lại việc này. Ông Trần Văn Bảy nhấn mạnh: “Không cần có hậu quả xảy ra vẫn xử lý hình sự được. Nhiều người cho rằng làm giấy giả chứ có gây cháy nhà, làm chết người đâu mà nghiêm trọng. Tuy nhiên, giá trị tài sản lên tới hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng, tại sao lại cho là không nghiêm trọng? Điều 267 Bộ luật Hình sự quy định rất rõ về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Chỉ cần tội phạm đã hoàn thành thì đã có thể xử lý hình sự, còn hậu quả xảy ra hay không thì là tình tiết tăng nặng. Cứ ngồi chờ hậu quả xảy ra thì còn nói gì nữa” - ông Bảy nói.

Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Để đối phó với tình trạng giả mạo, các tổ chức hành nghề công chứng phải dùng nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, Văn phòng Công chứng Bến Thành trang bị camera ở khắp các góc để kẻ gian phải e dè; Phòng Công chứng số 6 trang bị máy quét vân tay; mỗi CCV tự tích lũy kinh nghiệm sau quá trình làm việc lâu dài… Khi có nghi vấn về hồ sơ nhà đất, các tổ chức hành nghề công chứng “tranh thủ” nhờ các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan tài nguyên môi trường xác minh tính xác thực...

Đó là giải pháp đơn lẻ từ phía các CCV. Về phía Sở Tư pháp, Sở cũng mời Viện Khoa học hình sự giảng cho các CCV về nghiệp vụ nhận biết giấy giả, trang bị phần mềm cung cấp thông tin ngăn chặn. Sở cũng đang nghiên cứu theo hướng sẽ xây dựng mẫu mã riêng cho giấy tờ công chứng, có dán tem để ngăn chặn làm giả. Theo ông Bảy, cần nhất là các cơ quan cấp giấy, cơ quan công an phải có sự phối hợp tốt với Sở Tư pháp trong “cuộc chiến” chống lại giấy giả nhằm bảo vệ lợi ích của người dân. “Trong lúc chưa có cơ chế phối hợp thì các bên phải tự cứu mình. Về phía người bị thiệt hại, nhiều người mua bán hàng tỉ đồng mà lại không chịu tìm hiểu xác minh tình trạng nhà đất. Thậm chí nhiều người bị dính giấy giả nhất định không chịu kiện ra tòa, không loại trừ khả năng bên mua bên nhận cũng có vấn đề” - ông Bảy cho biết.

Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, cho biết: “Giấy giả nếu “lọt cửa” cơ quan công chứng thì sẽ tiếp tục “tấn công” các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Do vậy, chúng tôi sẽ làm việc với các văn phòng đăng ký cấp huyện để có cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan công chứng sao cho hiệu quả và nhanh hơn. Đồng thời, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM sẽ ngồi bàn với Sở Tư pháp TP.HCM để tìm cách chia sẻ cơ sở dữ liệu về nhà, đất để kịp thời phát hiện các trường hợp giả mạo”.

Sử dụng giấy giả để lừa đảo: 16 năm tù

Đầu năm 2012, TAND TP.HCM đã xử phạt Lê Thị Trúc Giang (quận Tân Bình, TP.HCM) 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường hơn 1,5 tỉ đồng cho hai người bị hại. Trước đó, bị cáo sử dụng giấy CMND mang tên chủ đất và toàn bộ hồ sơ giả để đi công chứng hợp đồng sang nhượng, thế chấp đất nhằm chiếm đoạt hơn 1,5 tỉ đồng.

Đáng lưu ý, cơ quan pháp luật đã không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Giang về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức vì cho rằng Giang chỉ là người sử dụng hồ sơ giả. Hiện cơ quan điều tra chưa xác định được lai lịch, địa chỉ của các đối tượng cung cấp giấy tờ giả cho Giang.

Các mẫu giấy quá thô sơ

Cơ quan cấp giấy chủ quyền nhà đất, giấy CMND cần phải áp dụng công nghệ cao chứ các loại giấy này hiện nay quá đơn giản, dễ làm giả. Ngành tài nguyên môi trường cũng cần phải xem lại việc cấp giấy, quy trình quản lý phôi vì một số nơi bị mất phôi, dễ bị tuồn ra ngoài làm giấy giả.

Ông TRẦN VĂN BẢY, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp
- Sở Tư pháp TP.HCM

ÁI PHƯƠNG - KIM PHỤNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm