Tôi nhớ hằng năm tết đến gần thì truyền hình, Facebook, YouTube… lại xuất hiện mô típ quảng cáo quen thuộc: Một đôi vợ chồng lớn tuổi sốt ruột ngóng chờ các con về nhà ăn tết sum vầy cùng gia đình. Rồi họ nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc gọi video từ các con rằng đứa nào cũng bận việc làm ăn, mưu sinh nên “tết này tụi con không về”.
Sự xuất hiện của siêu robot
Khi trí tuệ nhân tạo (AI) xuất hiện đã có người đặt câu hỏi: Liệu đời sống số ở thế kỷ 21 có thể tạo ra một sản phẩm đủ thông minh để thay các con đón tết cùng cha mẹ một cách ấm áp trọn vẹn hay không? Giả sử robot AI đó “con người” đến nỗi thấu hiểu được một cách sâu sắc tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ mình và trò chuyện với họ hợp hơn cả mình thì sao?
Tại Mỹ, một kỹ sư người Việt, anh Vũ Duy Thức, đã chế tạo thành công robot có thể di chuyển linh hoạt, trở thành trợ lý cho con người trong việc đi dạo, nấu ăn, xem phim… Robot còn giúp các bậc cha mẹ lớn tuổi kết nối với con cái của họ đang làm việc ở xa thông qua những cuộc gọi video trực tiếp. Nhờ đó mà đã có người cứu được mẹ mình khi thông qua robot phát hiện bà phải nằm liệt giường vì bệnh nặng. Khó phủ nhận được là nhiều người vẫn đang lo lắng rằng tương lai của loài người sẽ bị đe dọa nếu một ngày nào đó AI trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Liệu AI có khiến tôi mất việc hay không? Liệu AI có khiến tôi trở nên vô dụng hay không? Hơn hết, hai chữ “nhân tính” sẽ còn ý nghĩa gì không trong một thời đại chi phối bởi AI?
Robot có thể hỗ trợ trẻ em học tốt hơn nhưng không thể thay thế cha mẹ giáo dục con cái hiệu quả. Ảnh minh họa: ANDY KELLY/ UNSPLASH |
(*) Ngô Di Lân, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Brandeis (Mỹ), tác giả cuốn sách 1% mỗi ngày. |
Cùng nỗi sợ vô hình…
Trí tuệ nhân tạo hay AI là các nỗ lực xây dựng những cỗ máy tái tạo, mô phỏng được trí thông minh của con người. Trên thực tế có hai cấp độ AI khác nhau là AI hẹp (còn gọi là AI yếu) và AI tổng quát (còn gọi là AI mạnh).
AI hẹp là những gì chúng ta đang nhìn thấy ở trợ lý ảo Alexa của Amazon, tính năng gợi ý các video theo sở thích hay thói quen của người dùng trên YouTube, hay phần mềm đánh cờ vua AlphaZero… AI hẹp hiện nay dù có thể giúp chúng ta tạo ra một số yêu cầu đơn giản cho Siri trên điện thoại iPhone (ví dụ tìm đường đi) chứ chưa thể tâm tình, tán gẫu như một người bạn ngoài đời thật.
Kiểu trí tuệ nhân tạo khiến nhiều người lo sợ và đã truyền cảm hứng cho nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng là AI tổng quát/mạnh (AGI). Nhiều người lo rằng sẽ có lúc AGI không chỉ có khả năng tính toán, xử lý thông tin và ra quyết định ưu việt hơn con người mà còn có “nhận thức” giống hệt con người. Nói cách khác, các siêu robot có thể thông minh, độc lập và “sân si”, “hỷ - nộ - ái - ố” như xã hội loài người. Trong trí tưởng tượng phong phú của nhiều người, các siêu robot như thế sẽ tìm cách xóa sổ loài người hoặc nô dịch chúng ta để thống trị Trái đất.
… Và phi lý trí!
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về AI cho rằng viễn cảnh đó còn xa vời. Như GS Gary Marcus (ĐH New York, Mỹ) đánh giá thì các cỗ máy AI đã tương đối giỏi trong việc xử lý các nhiệm vụ đã được xác định một cách tương đối chính xác như dịch thuật. Tuy nhiên, nó sẽ lập tức gặp vấn đề trước những bài toán hiểm hóc hơn như làm thế nào để mở cửa, làm thế nào để động viên một người đang buồn…
Mặt khác, một cỗ máy được trang bị AGI cũng cần một “thân xác” rất nhanh nhẹn và uyển chuyển như con người thật, điều vẫn còn rất xa tầm với của khoa học. Nói cách khác, để robot AI trở thành một “thế lực” có thể nô dịch loài người, chúng phải vượt qua các trở ngại về phần cứng lẫn phần mềm.
Hơn hết, nỗi sợ của con người về những cỗ máy hủy diệt về cơ bản là phi lý trí. Hiện chẳng có một logic nào cho thấy những cỗ máy (ngay cả khi) có trí tuệ cao hơn hẳn con người sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh diệt chủng chống lại loài người. Những ai yêu thích tìm hiểu về chiến tranh, quan hệ quốc tế như tôi có thể thấy xung đột vũ trang trong lịch sử loài người thường bắt nguồn từ nỗi sợ hãi và sự vô minh của con người. Viễn cảnh chung sống hòa bình giữa người và máy là hoàn toàn khả thi. Khi chúng ta giả định rằng các siêu robot sẽ tìm cách nô dịch hóa loài người, chúng ta đang phóng chiếu những gì xấu và đen tối nhất của con người lên những cỗ máy. Nói theo dân gian là “suy bụng ta ra bụng… robot”.
Nỗi lo biến mình thành những cỗ máy vô cảm
Sẽ còn rất rất xa hoặc sẽ không bao giờ thế giới siêu robot có thể vươn lên để nô dịch hóa loài người theo trí tưởng tượng của tác giả bộ truyện nổi tiếng Doraemon hay trong các bộ phim Hollywood. Thế nhưng tin không vui đây, chúng ta vẫn còn một nỗi lo lớn hơn mà xác đáng và đầy tính thực tiễn: Dường như một bộ phận không nhỏ loài người đang cố gắng dùng (siêu) robot để khỏa lấp trách nhiệm của mình đối với gia đình và những người xung quanh.
Sẽ chẳng có gì để nói khi sống trong thế giới bận rộn, chúng ta nhờ robot nấu cơm, rửa chén, giặt đồ… Thế nhưng vấn đề trở nên nghiêm trọng khi chúng ta bắt đầu đá trách nhiệm cho AI từ những việc như trò chuyện và chăm sóc cha mẹ cho đến việc đi họp phụ huynh, hay dạy học cho con…
Nếu chúng ta hướng đến việc sử dụng AI như vậy, xã hội loài người sẽ bị thay đổi, mối quan hệ giữa người và người sẽ đứng trước nguy cơ bị biến dạng vĩnh viễn. Không một siêu robot nào đủ linh hoạt và cảm xúc để yêu thương cha mẹ hoặc chăm sóc, nuôi dạy trẻ con tốt như người ruột thịt trong nhà. “Siêu robot có thể thay mình về quê ăn tết cùng cha mẹ một cách ấm áp, đoàn viên; cùng con cái học tập, trò chuyện, khám phá thế giới…” - dù chúng ta đang cố gắng hiện đại hóa cuộc sống, hay tìm cách đẩy trách nhiệm vốn con-người-phải-làm sang cho những con robot thì vẫn sẽ tạo ra một khủng hoảng danh tính tập thể vô tiền khoáng hậu cho tất cả chúng ta. Vậy robot sẽ nô dịch loài người, hay chính chúng ta đang biến mình thành những cỗ máy bận rộn và vô cảm trong thế giới AI?