Theo các bậc cao niên xã Tân Ninh, rừng bần hơn 13 ha này có tuổi hàng trăm năm và là lá chắn ngăn bão lũ cho dân làng bao đời nay, ngăn chặn sạt lở đất đai… nhưng gần đây bị đào bới nham nhở.
Một góc rừng bần bị đào phá. Ảnh: Á ĐÔNG
Về diện tích rừng trên, năm 1994, chính quyền huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) giao đất cho 34 hộ dân ở xã Tân Ninh để phát triển mô hình nuôi trồng thủy hải sản. Sau khi nhận đất, các hộ dân nuôi trồng thủy hải sản theo lối quảng canh nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Đầu tháng 7-2017, một số hộ được giao đất thuê cơ giới đào bới hàng loạt ao hồ, phá vỡ địa hình, quang cảnh của rừng bần, làm cả khu rừng bị biến dạng. Nhiều cây bần, thân to hơn vòng tay một người ôm bị quật ngã. Ngoài ra, việc đào ao tạo mặt nước nuôi trồng thủy sản khiến nhiều cây bần bị đào bới tận gốc, đang đứng chờ chết.
“Nhưng từ sau khi nghe có đền bù thiệt hại sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung, một số hộ đã đào các hồ để chờ đền bù khiến rừng bần bị xâm hại nghiêm trọng” - bà Nguyễn Thị D., cán bộ hưu trí xã Tân Ninh, cho biết.
Một gốc cây bần bị đào gốc đưa lên ven bờ hồ mới đào.
Theo quyết định giao đất, chính quyền nêu rõ: Việc cải tạo đắp bờ không được làm biến dạng địa hình rừng bần tự nhiên, đồng thời phải bảo tồn và phát triển, không được chặt phá làm ảnh hưởng môi trường sống của rừng bần ven sông.
Bức xúc trước việc rừng bần bị bức tử, người dân đã kiến nghị gửi lên chính quyền địa phương. “Việc rừng bần bị phá, bà con bất bình nhưng đến đầu tháng 8 vừa rồi, khi họp tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh dữ dội, họ mới hứa sẽ giải quyết”.
Ông Trần Đại Thọ, Chủ tịch xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, cho hay: “Ngay sau cuộc họp tiếp xúc cử tri, xã đã có báo cáo gửi UBND huyện Quảng Ninh, cho dừng tất cả hoạt động đào hồ của một số hộ dân, đồng thời sẽ kiểm tra nếu thấy các hộ nào có vi phạm sẽ tiến hành xử lý”.