Rừng bị "giết" trước mắt kiểm lâm

Chủ tịch xã “cấp phép” phá rừng

Để hiểu rõ hơn “công đoạn” khai thác gỗ và thủ tục “vượt mặt” kiểm lâm, phóng viên đã phải ở lại thôn Cụt Ạc suốt mấy ngày trời mới tìm ra chân tướng sự việc.

Được biết, số gỗ này là do người dân bản địa vào rừng lấy về bán lại cho đầu nậu. Một người dân vừa đi chặt gỗ về cho biết, suốt cả tháng qua họ ngày nào cũng vào rừng chặt gỗ về bán.

Một người đi chặt, người khác cũng theo và cuối cùng là “một đội quân” lâm tặc hùng mạnh xới tung cả khu rừng phòng hộ.

Rừng phòng hộ, ‘tứa máu’, lâm tặc, tiếp tay, Thanh Hóa
Trong khi dư luận cả nước chưa hết bàn tán vụ kiểm lâm Thanh Hóa bị bắt vì nhận hối lộ 100 triệu thì vụ rừng phòng hộ Cụt Ạc bị tàn phá đăng trên VietNamNet cũng khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn.

Người dân Cụt Ạc nói, họ được một đầu nậu thuê vào rừng chặt cây bán với giá mỗi khúc gỗ từ 70.000đ đến 120.000 đồng, tùy vào đường kính. Nguyên nhân cũng là do người dân nơi đây nghèo khó, ruộng nương ít không đủ sống. Bên cạnh đó, họ không có một nguồn thu nhập phụ nào, nên khi nói chặt gỗ có tiền là đều “xung phong”.

"Ở đây nhận thức người dân kém lắm, rừng phòng hộ nhưng khi được nhà nước giao bảo vệ rừng thì họ cứ nghĩ rằng đó là vườn nhà mình, vì thế họ thích làm gì thì làm”, một người dân cho biết.

Để hợp thức hóa việc chặt gỗ, đầu nậu xúi giục người dân làm đơn lên xã xin được khai thác với nội dung xin một số cây về giải quyết việc gia đình. Khi được sự đồng ý của xã, lâm tặc vịn vào cớ này tha hồ chặt hạ.

Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh gặp chúng tôi còn khoe “thành tích” hơn 1 tháng nay, đã ký cho 4 hộ khai thác gỗ. 

Rừng phòng hộ, ‘tứa máu’, lâm tặc, tiếp tay, Thanh Hóa

Rừng phòng hộ, ‘tứa máu’, lâm tặc, tiếp tay, Thanh Hóa
Ảnh rừng phòng hộ Cụt Ạc bị tàn phá

Ông còn bảo, rừng bị chặt là do lâm tặc lợi dụng vào việc ông cho các hộ dân khai thác. Lâm tặc không khai thác đúng cây, đúng vị trí mà khai thác tràn lan, chính quyền không kiểm soát được mới sinh ra phá rừng!?

Ông Nhang còn nói rất rõ quy trình cấp phép khai thác cho người dân. Cụ thể, người dân làm đơn lên xin, xã xác nhận, sau đó đầu nậu phối hợp với người dân đưa hồ sơ lên huyện.

Quy trình ở trên thế nào thì xã không biết, chỉ biết rằng sau khi có chữ ký của xã là họ tiến hành khai thác.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân phụ trách nông nghiệp cho biết, về nguyên tắc xã chỉ được ký cho người dân khai thác rừng vườn (rừng trồng). Còn ở đây là rừng phòng hộ, nếu tận thu, tận dụng phải lập bảng kê và được sự đồng ý của huyện?!

Còn nếu khai thác chính phải có phương án điều chế rừng. Như vậy xã ký quyết định cho người dân khai thác là sai hoàn toàn!

Bà Hường cho biết thêm: “Ngoài rừng trồng ra, tất cả rừng nào muốn khai thác, chặt cây phải có chữ ký của tôi. Tôi khẳng định từ tết ra đến nay tôi chưa hề ký một quyết định nào cho xã Xuân Chinh nói chung và thôn Cụt Ạc nói riêng về vấn đề khai thác gỗ”.

Kiểm lâm ở đâu?

Theo bà Hường, khi đã có hồ sơ xin khai thác gỗ thì theo quy trình phải được cán bộ chuyên môn, kiểm lâm huyện đi khảo sát, xác nhận vị trí, số cây, sau đó đóng búa rồi về huyện mới dựa trên đó để ký xác nhận cho phép khai thác hay không.

Như lời bà Hường nói thì cán bộ trạm kiểm lâm Bù Đồn đang có vấn đề? Sở dĩ, chúng tôi nói như vậy là vì theo như ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh bảo mỗi lần ông ký quyết định cho các hộ dân lên khai thác thì đều có kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã đi xác định vị trí, số cây. 

Rừng phòng hộ, ‘tứa máu’, lâm tặc, tiếp tay, Thanh Hóa
Ông Nhang, Chủ tịch xã Xuân Chính cho biết, chính ông đã ký chấp thuận cho 4 hộ dân khai thác gỗ.

Chính vì vậy mà trong số 4 hộ ông Nhang ký cho khai thác có một hộ sau khi lên kiểm tra không đủ tiêu chuẩn nên xã và kiểm lâm không cho khai thác.

Điều đáng nói, trạm kiểm lâm làm gì khi người dân thông báo có xe gỗ đi qua? Và việc chặt phá rừng diễn ra công khai cả tháng nay mà kiểm lâm không hề hay biết?

Người dân thôn Cụt Ạc cho biết, trung bình một tuần có vài lượt xe ô tô vào bốc gỗ, họ đã thông báo cho kiểm lâm, nhưng chẳng thấy ai vào kiểm tra hay bắt giữ.

Mang thông tin này trao đổi, ông Nguyễn Thanh Luyện, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bù Đồn cho biết, hơn một tháng trở lại đây trạm chưa bắt được xe chở gỗ nào. Cũng có lần người dân báo, cán bộ trạm xuống bắt giữ nhưng khi kiểm tra thì số gỗ đó lại có nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ do người dân xin khai thác!?

Câu hỏi đặt ra, cán bộ kiểm lâm đã kiểm tra gì? Tại sao lại không hề hay biết giấy phép đó có hợp lệ hay không? Chủng loại gỗ có được chặt phá theo đúng quy định của pháp luật?

Hơn nữa, việc phá rừng hơn một tháng qua, hàng chục xe gỗ đã được “tuồn” ra ngoài chỉ cách trạm chưa đầy 8km mà kiểm lâm không hề hay biết, hay đã có sự tiếp tay?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo Lê Anh (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm