Những khát khao, mong ước của người đã khuất có thành hiện thực? Người thân của bà giờ sống ra sao?
Ông Đinh Hoài Bảo thắp nhang trước bàn thờ vợ - Ảnh: Tấn Đức
Vợ chết, chồng cũng lao đao
Chúng tôi trở lại Cà Mau trong cái nắng cháy da của “hạn bà chằn” thượng tuần tháng 8. Không khó nhận ra ngôi nhà cũ lợp fibrô-ximăng vách lá của gia đình người quá cố bên bờ kênh Lung Cuốc, xã An Xuyên. Một người đàn ông có gương mặt đầy vẻ ưu tư ra đón chúng tôi. Ông là Đinh Hoài Bảo (50 tuổi), chồng của bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân.
“Nhà lợp fibrô-ximăng nóng hầm hập như vầy, sao ông không lên nhà trên (nhà cất sau khi bà Nhân chết) cho mát?” - chúng tôi thắc mắc. “Tui ở đây thấy ấm cúng. Lên trển nhà sạch, đẹp nhưng thấy trống trải quá” - ông Bảo nói.
Trò chuyện với chúng tôi, cứ vài câu ông lại nhắc tới vợ. Với ông, dường như món đồ nào trong nhà cũng gợi nhớ tới người vợ đã khuất: “Chồng ghế nhựa và cái tủ gỗ đằng kia là bộ đồ nghề vợ dùng bán bánh mì, bán nước uống ở ngoài lộ lớn (quốc lộ 63). Cái bếp gas bên cạnh do bà chủ nhà, nơi vợ phụ việc nhà, bán lại. Còn chiếc giường gỗ này là chỗ vợ hay nằm...”. Rồi ông thọc tay vào tủ quần áo đã bung mất hai cửa, được che chắn bằng tấm khăn trải bàn, lấy ra một bộ quần áo: “Bộ đồ bà ba này vợ tui thích nhất, thỉnh thoảng tui lại lấy ra giặt, để dành cho bả” - người chồng kể.
Khoảng một tháng sau ngày vợ mất, trong lúc chạy xe đạp ra chợ mua ít đồ, ông Bảo bị xe máy tông từ phía sau gây chấn thương não. Ông được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM mở hộp sọ, cắt một mảng gần tấc vuông xương sọ trên đỉnh đầu phía bên phải để cấy mô suốt mấy tháng mới “ráp” lại. Bình phục, ông Bảo lại trở về với nghề phụ hồ.
Mấy tháng nay thời tiết thất thường, cộng với những di chứng hồi ông tham gia quân tình nguyện VN ở chiến trường Campuchia khiến ông hay bị hoa mắt, choáng váng nên đi làm không được thường xuyên. “Hồi trước thầu trả công 120.000 đồng/ngày, nhưng bây giờ thấy sức khỏe tui xuống, họ trả có 105.000 đồng” - ông Bảo kể.
Rồi ông trầm tư: “Lúc vợ còn, bữa nào tui với bả cũng dậy từ 4-5 giờ sáng, nấu cơm ém vào lon Guigoz, mang theo đi làm, trưa dùng cho đỡ tốn tiền. Ngày nào vợ cũng dặn: Anh đừng có nhậu nha, chiều đón em về sớm ăn cơm cùng con. Bây giờ đi làm một mình, nhiều lúc nhớ lại lời vợ, tui cứ ngồi thừ ra, tới chừng thợ chính hết gạch để xây kêu réo, tui mới giật mình...” - ông Bảo bỏ lửng câu nói.
Những vòng tay ấm
Đợi cảm xúc về người vợ quá cố lắng lại, ông cùng chúng tôi lên nhà trên thắp nén nhang cho bà Mỹ Nhân. Đó là căn nhà gạch xây khá khang trang, nổi bật giữa xóm thuần nông, bề ngang 4,5m, sâu 12m, nền lát gạch bông, chi phí xây cất 92 triệu đồng do các mạnh thường quân ủng hộ.
“Cán bộ xã đứng ra kêu thầu, coi sóc việc xây dựng cho tui hết đó. Làm cho vợ vui, chứ tui nghĩ ở nhà cũ cũng được. Điều quan trọng hơn là tụi nhỏ có điều kiện học hành, không phải nghỉ vì thiếu tiền đóng học phí” - ông Bảo tâm sự.
Nhắc tới con, ông Bảo tươi hẳn lên:
“Vợ chồng tui có ba con trai, đứa nào cũng mê học dữ dằn luôn. Hôm trước ngày thi, hai cha con đến gặp ông chủ thầu xây dựng xin ứng 600.000 đồng cho nó đi thi, bà chủ thấy vậy móc túi cho thằng nhỏ thêm 200.000 đồng. Để đỡ tốn kém, một mình nó cầm tiền lên TP.HCM thi. Thấy con chưa từng đi xa nhà, sợ người gian lấy hết tiền thì khổ, mẹ nó lúc còn sống kêu nhét tiền vô trong vớ cho chắc ăn. Vậy mà nó thi một lần đậu luôn.
Suốt mấy năm đầu, nó vừa học vừa đi phụ việc ở quán karaoke, chạy bàn cũng kiếm đủ tiền ăn, tiền trọ. Còn tiền học phí mỗi học kỳ gần 5 triệu đồng, vợ chồng tui lo toát mồ hôi. Mỗi lần nó điện thoại về xin, vợ chồng tôi lại đi ứng tiền công lao động, đi vay mượn bà con họ hàng mỗi người một ít, rồi vô mấy chân hụi, xong năn nỉ người ta cho hốt trước, thậm chí có bận phải đành lòng ôm con chó mực nuôi trong nhà đi bán để lấy thêm 200.000 đồng góp vô cho đủ tiền đóng học phí cho con...”.
Nhưng đó là câu chuyện của hơn một năm trước. Sau ngày bà Nhân mất, bà con chòm xóm đã tới phúng điếu được hơn 40 triệu đồng. Đó là điều hiếm có ở một vùng quê còn nhiều khó khăn. Những vòng tay ấm của mạnh thường quân khắp nơi cũng liên tục đến với gia đình bà.
Ngoài số tiền 92 triệu đồng dành cất nhà mới, cha con ông Bảo còn dôi dư hơn trăm triệu đồng gửi tiết kiệm. Ba tháng một lần ông lại ra ngân hàng nhận lãi, được hơn 3,1 triệu đồng. Cộng với tiền đi làm phụ hồ, ông có tiền tạm đủ để lo cho các con và đóng hai dây hụi mà vợ đã hốt lúc còn sống để lấy tiền đóng học phí cho con.
Người con đầu Đinh Công Bằng đang là sinh viên năm cuối của Trường đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa hoàn tất chương trình thực tập tại Cụm công nghiệp khí điện đạm Cà Mau, tháng 11 sẽ ra trường. Người con trai kế Đinh Hoài Tâm đang chờ kết quả tuyển sinh đại học.
“Nếu đủ điểm trúng tuyển thì hay quá, còn không em sẽ lên Cần Thơ vừa tìm việc làm thêm, vừa luyện thi vào ngành nuôi trồng thủy sản. Em sẽ quyết tâm học thật giỏi để trả công ơn của mẹ” - Hoài Tâm nói.
Còn em út Đinh Xuân Ngân hơn một năm gặp lại đã thấy lớn hơn. Mấy ngày nay cậu cũng loay hoay chuẩn bị quần áo, sách vở để bước vào lớp 10. Các con trai luôn ghi nhớ lời mẹ mình trong lá thư tuyệt mệnh: “Bằng, Tâm, Ngân, ba đứa ở lại ráng vươn lên mà sống”.
“Anh Bảo, em bệnh, em biết không qua được căn bệnh này. Em nghĩ chết là hết, đỡ cho anh gánh nặng, chứ đời em thương anh nhiều lắm... Em chết anh khổ nhiều vì trong nhà hiện giờ không tiền, không gạo. Em chết (anh) xin hàng chôn liền. Bằng, Tâm, Ngân các con thương mẹ đừng trách vì gia đình mẹ gánh không nổi, mẹ mới lỡ bỏ các con, mẹ thương các con nhiều lắm. Vì lo cho các con ăn học mà mẹ lâm vào nợ, thiếu tiền người ta, tiền hụi dì Ánh mỗi tháng một triệu. Anh Đoàn (Trần Đại Đoàn, bí thư Đảng ủy xã An Xuyên), em chết rồi còn lại chồng em, anh giúp cho gia đình em được sổ nghèo cho con vay tiền đóng học phí, còn một năm cuối, mong anh Đoàn giúp đỡ. Ánh, còn tiền hụi, anh Bảo trả Ánh từ từ, ráng nhường mà sống nghe Ánh...”. (trích thư tuyệt mệnh của bà MỸ NHÂN) |
Sẽ tìm việc làm cho con bà Mỹ Nhân Ông Trần Đại Đoàn - bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, TP Cà Mau, người được bà Mỹ Nhân “gửi gắm” trong thư tuyệt mệnh nhờ “giúp cho gia đình được sổ hộ nghèo cho con vay tiền đóng học phí” - nhớ lại: “Tôi vừa chuyển về nhận nhiệm vụ bí thư xã An Xuyên thì chị Mỹ Nhân có đến nhà chơi (mẹ vợ ông Đoàn là dì ruột bà Mỹ Nhân), chị có kể qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Tôi có hứa sẽ cho rà soát, kiểm tra lại, nếu gia đình chị đạt chuẩn hộ nghèo sẽ cấp phát sổ để chị được vay tiền cho con đi học. Nhưng mới có ba ngày sau lại nghe tin chị tự tử”. Sau khi bà Mỹ Nhân mất, địa phương đã cho rà soát, họp xét từ cơ sở, nhưng tới giờ vẫn không cấp được sổ hộ nghèo cho gia đình bà bởi đối chiếu quy định, nguồn thu nhập của gia đình, bao gồm cả khoản lãi tiền gửi và thu nhập hằng ngày của ông Bảo thì mức thu nhập bình quân hằng tháng cao hơn mức chuẩn quy định 400.000 đồng/người/tháng. “Tuy nhiên, chúng tôi không cứng nhắc, đợi có sổ hộ nghèo mới chăm lo cuộc sống cho gia đình anh Bảo. Hơn năm qua, địa phương đều xác nhận hoàn cảnh khó khăn để các con anh được miễn giảm học phí. Tôi và anh Hồ Trung Việt, chủ tịch UBND TP Cà Mau, cũng đã có cuộc gặp riêng với con trai anh Bảo đang học tại Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu để động viên tinh thần, nắm bắt tâm tư nguyện vọng. Khi ra trường, nếu cháu và gia đình có nhu cầu, chúng tôi sẽ tạo điều kiện hết mình để cháu có việc làm ngay tại quê nhà” - ông Đoàn cho biết. |
Theo TẤN ĐỨC (Tuổi Trẻ)