Dự kiến sáng nay (11-7), TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo trong vụ cưỡng đoạt tài sản xảy ra tại chợ Long Biên (Hà Nội), từng gây chấn động dư luận vào hồi năm ngoái.
Theo đó, năm bị cáo cùng bị xét xử về tội danh nói trên gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính", tổ trưởng tổ bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên), Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến "hói"), Lê Thanh Hải (tức Hải "gió"), Nguyễn Mạnh Long (tức Long "cao") và Dương Quốc Vương (tức Vương "lợn").
Hưng "kính" được xác định đã chỉ đạo các bị can khác chèn ép tiểu thương chợ Long Biên. Ảnh cắt từ clip
“Tiêu diệt” vì dám chống đối
Cáo trạng cho thấy vợ chồng chị Nghiêm Thúy Nga (trú tại Hà Nội) ký hợp đồng với Ban quản lý chợ Long Biên thuê sáu ki-ốt để bán hàng. Quá trình kinh doanh, do thường xuyên bị Hưng “kính” cùng Hải “gió”, Long “cao” và Vương “lợn” chèn ép, bắt nộp các khoản tiền khác nhau, gia đình chị Nga đã có đơn trình báo tới Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội.
Tháng 8-2017, do gia đình chị Nga có nhu cầu thuê hai chỗ đỗ xe, nhưng Hưng chỉ đồng ý cho một chỗ, hai bên xảy ra mâu thuẫn. Thấy thái độ chống đối của hộ chị Nga, Hưng chỉ đạo “đàn em” khi thấy xe ô tô hàng của chị về chợ bán thì để xe khác đỗ chèn vào vị trí, cho người lái xe tải chắn trước ki-ốt hoặc mang các bao tải đựng cá thối để trước quầy hàng của tiểu thương này...
Cùng với đó, các đối tượng còn đuổi nhân viên, bắt chị Nga phải thuê nhân viên tổ bốc dỡ số 2 dỡ hàng để thu tiền mặc dù chị không hề có nhu cầu, thậm chí bắt chị phải trả tiền bốc dỡ dù có thuê hay không.
Bị gây sức ép, chị Nga chủ động nhờ người quen tới “giảng hòa” nói với Hưng “kính”. Tuy nhiên do bực tức về việc bị chống đối, Hưng không chấp nhận mà tuyên bố sẽ “tiêu diệt” nữ tiểu thương trong vòng một quý để dằn mặt, sau đó sẽ nói chuyện.
“Giảng hòa” không thành, chị Nga tố cáo với Ban Quản lý chợ Long Biên. Đến tháng 2-2018, chị Nga ký hợp đồng với ông Nguyễn Văn Loan (Phó trưởng Ban Quản lý chợ Long Biên) thỏa thuận khi có nhu cầu bốc dỡ hàng sẽ trả số tiền 80.000 đồng/xe loại 1,4 tấn và 200.000 đồng/xe loại 3,5 tấn.
Dù vậy, Hưng vẫn tiếp tục chỉ đạo Hải, Long và Vương gây sự đuổi xe, đuổi nhân viên của chị Nga. Đặc biệt, khi xe ô tô của chị Nga đỗ tại bãi thủy sản, mặc dù không bốc dỡ hàng nhưng các đối tượng vẫn đến thu 200.000 đồng/xe loại 1,4 tấn và 350.000 đồng/xe loại 3,5 tấn.
Ngoài việc chèn ép tiểu thương, quá trình điều tra còn xác định Hưng “kính” cùng bốn bị can còn tự ý lập bảng kê để “đút túi” nhiều triệu đồng. Hưng tự ý giao cho Vương thực hiện việc thu tiền và đồng thời chia khu vực để Vương, Hải và Long thu tiền dịch vụ bốc dỡ ban đêm. Hưng chỉ đạo Tiến không giao cho Hải, Long và Vương các bảng kê do Ban Quản lý chợ Long Biên phát hành mà soạn bảng kê khác theo ý của mình để thu tiền.
Các bị can thu tiền của tiểu thương trong chợ. Ảnh cắt từ clip
Nhân thân cực xấu
Khoảng 8 giờ hàng ngày, nhóm bị cáo hội ý tại khu vực trạm bơm phòng cháy chữa cháy về số tiền đã thu được. Tại các buổi trao đổi, Hưng yêu cầu Hải, Long và Vương không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền, chỉ có nhân viên tổ bốc dỡ số 2 mới có quyền bốc dỡ.
Từ ngày 14-3-2018 đến 1-9-2018, theo chỉ đạo của Hưng, tổ bốc dỡ số 2 chợ Long Biên thu của hộ chị Nga tổng số tiền là 35,6 triệu đồng, trong đó có bốc dỡ hàng hóa thu số tiền 7,5 triệu đồng và không bốc dỡ hàng nhưng vẫn gây sức ép để bắt nộp 28,1 triệu đồng.
Trong số này, chỉ 3,2 triệu đồng được nộp về Ban quản lý chợ Long Biên, còn lại các đối tượng chia nhau chiếm hưởng.
Tại cơ quan điều tra, các bị can Nguyễn Hữu Tiến, Lê Thanh Hải, Nguyễn Mạnh Long và Dương Quốc Vương đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội (từ ngày 1-1-2018 đến 24-9-2018 được chia tổng số tiền là 46,4 triệu đồng); riêng bị can Nguyễn Kim Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Dù vậy, căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được, có đủ cơ sở để kết luận Nguyễn Kim Hưng đã đồng phạm với các bị can Tiến, Hải, Long và Vương về tội cưỡng đoạt tài sản.
Cũng theo cáo trạng, Hưng “kính” là đối tượng có nhân thân xấu, từng bị xử lý vi phạm pháp luật rất nhiều lần.
Trong đó, tháng 6-1982, Hưng bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý về hành vi hiếp dâm. Đến tháng 7-1984 và tháng 6-1986, Hưng hai lần bị xử lý hành chính về hành vi gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
Bốn năm sau, Hưng tiếp tục bị xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Đến tháng 4-1996. Hưng bị Công an TP Hà Nội xử lý hành chính về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải.
Gần đây nhất, tháng 10-1996, bị cáo này bị Công an quận Hoàn Kiếm xử lý hành chính về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Tách hồ sơ nhiều tình tiết quan trọng Đáng chú ý, ngoài những hành vi phạm tội đã truy cứu, do chưa có đủ căn cứ, cơ quan tố tụng đã tách hồ sơ để tiếp tục làm rõ nhiều tình tiết rất quan trọng trong vụ án này.
Điển hình, theo lời khai của Hải, Long và Vương, ngoài hộ chị Nga các bị can còn thu tiền của nhiều hộ kinh doanh khác trong chợ để chia nhau. Cơ quan điều tra xác định trong năm 2018, dưới sự chỉ đạo của Hưng, nhóm này dù không bốc dỡ nhưng vẫn thu tiền bốc dỡ xuống hàng của 11 hộ kinh doanh cá đông lạnh. Tuy nhiên, các hộ không cung cấp tài liệu, chứng cứ về việc bị đe dọa để bắt phải nộp tiền nên chưa đủ căn cứ xác định các bị can cưỡng đoạt tài sản. Hoặc như lời trình báo của vợ chồng chị Nga, do bị gây khó khăn, nữ tiểu thương đã giao cho Hưng với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng. Cùng với đó, Hưng lợi dụng ảnh hưởng của mình đã vay hàng trăm triệu đồng của chị Nga… Thế nhưng, Hưng không thừa nhận hành vi này, cũng chưa có tài liệu nào khác để chứng minh bị cáo chiếm đoạt số tiền trên. Đặc biệt, ngày 25-10-2018, Cơ quan CSĐT khám xét khẩn cấp, thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến sai phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành tại Ban Quản lý chợ Long Biên. Do thời hạn điều tra của vụ án đã hết nên đã ra quyết định tách tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau. |